Đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất: Góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân

Thứ ba, ngày 24/07/2012

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) được xem là khâu quyết định thành bại trong sản xuất của nhiều nông dân. Ứng dụng KHKT hiện nay không còn là việc để khắc phục các khó khăn trong sản xuất, mà chính là để nâng cao thu nhập cho từng gia đình.

Trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều nông dân rất quan tâm đến tiêu chí số 10 là thu nhập của người dân xã nông thôn mới. Tiêu chí này có tác động trực tiếp đến lợi ích kinh tế của cư dân nông thôn. Để có thể đạt được tiêu chí này đòi hỏi bà con nông dân phải có sự chủ động trong sản xuất, bên cạnh đó là sự hỗ trợ kịp thời, đúng đắn của Nhà nước bằng các chính sách. Trong đó vấn đề khuyến khích, hỗ trợ để nông dân ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất được xem là một trong những nhân tố quan trọng để nâng cao thu nhập cho nông dân.

 Hệ thống máng ăn tự động trong chăn nuôi gà

Thời gian qua, trên tất cả các lĩnh vực, nông dân đã có sự chú trọng đến việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất và đã có nhiều sáng kiến hay, có ý nghĩa thực tiễn. Trong lĩnh vực trồng cây ăn trái có thể nhắc đến những nông dân điển hình về ứng dụng KHKT vào khâu phun tưới nhằm đạt năng suất cao, giảm giá thành và tiết kiệm chi phí như ông Đoàn Minh Chiến, Chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến tại xã Tân Định; ông Lê Văn Xê, Chủ trang trại Phương Uyên tại xã Hiếu Liêm (Tân Uyên); ông Trần Văn Phấn, xã Trừ Văn Thố; ông Nguyễn Văn Khái, xã Lai Uyên (Bến Cát)... Việc ứng dụng các tiến bộ KHKT của nông dân đã hạn chế được khó khăn, giảm thiểu chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây. Tùy theo từng địa hình mà nông dân có cách thiết kế hệ thống tưới khác nhau từ phun bằng béc xoay tròn, béc phun trực tiếp vào gốc cây hay hệ thống tưới trên cao, nhưng tất cả đều nhằm mục đích đạt được hiệu quả tưới cao nhất. Ngoài ra, nông dân còn chú trọng đến việc sử dụng công nghệ bón phân sinh học không gây tác hại xấu đến môi trường. Kết quả cuối cùng trong việc ứng dụng KHKT của nông dân chính là nâng cao được thu nhập cho gia đình, góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, lâu nay nhiều người rất e ngại với việc sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, với các trang trại chăn nuôi heo, gà quy mô lớn, người chăn nuôi đã ứng dụng hệ thống chuồng lạnh có tác dụng rất tốt trong việc hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh, không gây ra mùi hôi làm ảnh hưởng môi trường trong trại và khu vực xung quanh. Các trang trại chăn nuôi kiểu này cũng đã sử dụng các hệ thống máng ăn, máng uống tự động; một số trại còn ứng dụng cả máy pha thuốc và cho uống thuốc tự động, mang lại hiệu quả sản xuất rất cao. Tại các vùng đô thị hay tại một số nơi nông dân có ít đất sản xuất đã xuất hiện các mô hình trồng rau mầm, rau thủy canh có hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng chính là những điển hình trong việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất của nông dân.

Thế nhưng, việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất của nông dân vẫn chưa nhiều và việc nhân rộng các mô hình này vẫn còn rất hạn chế. Để đưa tiến bộ KHKT như trên vào sản xuất đòi hỏi nông dân phải có số vốn lớn, phải có tâm huyết và niềm đam mê. Ông Trần Văn Phấn, chủ trang trại trồng cây ăn trái tại xã Trừ Văn Thố cho biết, với những người trồng cây ăn trái, việc ứng dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất là công việc sống còn. “Chúng tôi có quỹ đất, có lòng say mê sản xuất nhưng vốn đầu tư còn hạn chế. Do vậy, chúng tôi rất mong Nhà nước tạo điều kiện để chúng tôi có thể tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi. Được vậy, chúng tôi mới có cơ hội mạnh dạn đầu tư ứng dụng các tiến bộ KHKT và mở rộng quy mô sản xuất”, ông Phấn nói.

Nhà nước luôn khuyến khích nông dân ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất; nhiều nông dân cũng mong muốn làm được điều này, nhưng vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt. Sự hướng dẫn, định hướng kịp thời trong việc lựa chọn các công nghệ; sự hỗ trợ phù hợp đối với họ bằng các cơ chế, chính sách thiết thực là rất cần thiết để có thể đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế tại các mô hình và nâng cao mức thu nhập của nông dân.

Nhiều nông dân đã có sáng chế, ứng dụng hiệu quả

Nông dân Nguyễn Văn Long, ngụ tại xã Lai Uyên (Bến Cát), là người đã có nhiều sáng chế hay, ứng dụng rộng rãi vào sản xuất với các loại máy như máy thổi lá cao su, máy rải phân, máy cắt cành cao su và máy phun thuốc trị bệnh nấm cao su. Các loại máy do ông Long sáng chế đạt công suất cao gấp 10 lần so với cách làm thông thường, tiết kiệm được công lao động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong đó, sáng kiến máy phun thuốc cao su của ông được nhiều người đánh giá rất cao.

 

Tương tự, nông dân Nguyễn Văn Đẹp với mô hình trồng cà chua, dưa chuột trong nhà lưới kín tại xã Phú An (Bến Cát) cũng là một trong những nông dân điển hình ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Việc ứng dụng mô hình nhà lưới kín, sử dụng hệ thống tưới nước, tưới phân tự động nhỏ giọt trực tiếp vào từng gốc cây (ảnh) đã giúp ông Đẹp tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất, sản phẩm làm ra đẹp và đồng đều, chất lượng cao hơn so với các sản phẩm thông thường, nên bán được với giá cao hơn.

CAO SƠN