Đưa trò chơi dân gian vào trường học: Giúp học sinh hướng về cội nguồn
Thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) về nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2012-2013, thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, trong thời gian qua, Sở GD-ĐT tỉnh tiếp tục đưa các bài hát dân ca vào nhà trường mục đích giúp các nhà trường, các thầy giáo, cô giáo, các em HS nâng cao vốn hiểu biết về hát dân ca, duy trì các bài hát dân ca Việt Nam đang có nguy cơ mai một, tạo nên một sức sống mới về giữ gìn văn hóa truyền thống trong các nhà trường.
Ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Đối với trẻ thơ, những làn điệu dân ca, những trò chơi dân gian là một trong những yếu tố hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc, là nguồn sữa nuôi dưỡng thế giới tinh thần, là nhịp cầu nối tâm thức các em với mọi bài học về cuộc sống xã hội bởi vì nó có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ nhất đối với các em. Tổ chức cho các em hát dân ca, chơi các trò chơi dân gian không chỉ là phương tiện giúp các em phát triển ngôn ngữ, phát triển tình cảm, đạo đức, tình đoàn kết, mở rộng nhận thức, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước. Trong những năm qua, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cũng đã tích cực chỉ đạo các nhà trường đưa các trò dân gian vào các trường học. Ngoài những nội dung được các trường đang triển khai để nâng cao chất lượng dạy, học, tạo môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, một nội dung được coi là điểm nhấn của phong trào trong những năm học gần đây là đưa trò chơi dân gian, hát dân ca và các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian vào trường học, xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Hướng đến mục tiêu “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”.
Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Nó không chỉ góp phần rèn luyện sức khỏe, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kỹ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm mà còn giúp HS rèn khả năng ứng xử văn hóa, không sa vào những trò chơi bạo lực vô bổ đang tràn lan và các tệ nạn xã hội. Ông Trần Đăng Nam, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Dĩ An cũng nhận định: Đặc điểm chung của trò chơi dân gian được triển khai trong trường học là đơn giản, dễ chơi, dễ hòa nhập. Nhiều trường học trong huyện đã cho HS làm quen với trò chơi dân gian. Trường thì tổ chức trong các giờ ra chơi, giờ thể dục, giờ ngoại khóa, có trường HS chỉ được làm quen vào các dịp liên hoan, tổ chức các ngày kỷ niệm, khai giảng năm học mới... Nhưng một điều đáng mừng là phần lớn HS đều hào hứng với các trò chơi dân gian, đặc biệt là các cháu mầm non, HS tiểu học và THCS. Trong các buổi tổ chức trò chơi dân gian thực sự đã lôi cuốn các em bởi những tiếng hò reo, tiếng cười nói khi các em HS tham gia các trò chơi dân gian quen thuộc gần với suy nghĩ và truyền thống của dân tộc. Trò chơi dân gian thực sự góp phần giáo dục HS về truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo như xây dựng góc “Trò chơi dân gian” cho HS. Với các trò chơi dân gian truyền thống, HS được chơi trong lớp, ngoài sân, trong giờ sinh hoạt tập thể, giờ ra chơi đều có thể tiếp thu các trò chơi dân gian. Trong các giờ học, giáo viên cũng lồng ghép vào các tiết dạy để HS tự tin, mạnh dạn, hứng thú học tập. Những giờ vui chơi như vậy cũng góp phần giúp HS được giao lưu ấm tình đoàn kết bạn bè. Từ đó, chính HS vì yêu thích trò chơi dân gian mà tự tìm thêm những trò chơi khác, làm phong phú thêm trò chơi dân gian của nhà trường. Với đặc điểm, trò chơi dân gian thường rất đơn giản, không tốn kém, chơi lại nhẹ nhàng, không đòi hỏi nhiều kinh phí mua sắm dụng cụ và HS rất thích thú khi vui chơi. Không chỉ vậy, nếu được thiết kế hợp lý giữa hoạt động học tập và vui chơi phù hợp sẽ làm cho việc tiếp thu kiến thức của HS tốt hơn. Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh sẽ giúp các em thêm hào hứng để học tập và sống hồn nhiên hơn. Hơn nữa, việc vui chơi lành mạnh còn tạo ra nhiều đức tính tốt đẹp, hạn chế những tật xấu, đồng thời rèn luyện thể chất và tâm hồn các em theo chiều hướng tốt đẹp.
NGỌC THANH