Đưa trạm y tế lưu động vào khu công nghiệp và gần người dân hơn
(BDO) Doanh nghiệp nỗ lực thực hiện “3 tại chỗ”
Tại Khu công nghiệp Mỹ Phước III, tiếp và làm việc với đoàn, ông Jack Xu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Motomotion Việt Nam, doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị nội thất thông minh, cho biết doanh nghiệp duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” đã được 2 tháng nay. Trước khi có dịch bệnh, công ty có 2.500 lao động chính thức. Từ ngày 18-7, công ty còn khoảng 1.000 lao động ở lại làm việc theo phương án “3 tại chỗ”.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các y, bác sĩ, nhân viên y tế trạm y tế lưu động khu vực phường Thuận Giao, TP.Thuận An. Ảnh: ĐỖ TRỌNG
“Hiện công nhân viên công ty đã quen với việc ở lại nhà xưởng. Ngoài ra, nhiều công nhân bên ngoài cũng đang có nguyện vọng trở lại công ty làm việc. Mặc dù sinh hoạt tại công ty không thể nào bằng như ở nhà, nhưng công nhân lao động đã rất cố gắng vượt qua khó khăn để chia sẻ cùng doanh nghiệp trong tình hình hiện nay”, ông Jack Xu nói.
Cũng theo ông Jack Xu, năm 2021, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu là 6.000 tỷ đồng, nhưng đến đến thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng dịch bệnh chỉ đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn đặt niềm tin và kỳ vọng về sự phát triển khi trong giai đoạn tiếp theo đã có kế hoạch đầu tư thêm 1 nhà máy quy mô từ 120.000 - 150.000m2 để mở rộng sản xuất; qua đó tạo cho việc làm cho khoảng 6.000 lao động.
Đến thăm và tìm hiểu tình hình sản xuất, kinh doanh tại Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương tại Khu công nghiệp Mỹ Phước I, đoàn đã được ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Nhà máy NutiFood Bình Dương, cho biết trước khi xảy ra dịch bệnh, công ty có 699 nhân viên, công nhân lao động. Thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, công ty còn 534 lao động. Để bảo đảm điều kiện sinh hoạt, ăn ở cho nhân viên ở lại làm việc, công ty bố trí hạ tầng sinh hoạt, ngủ nghỉ, khu vực ăn tại 7 xưởng riêng biệt với 25 địa điểm.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đầu tư trang thiết bị y tế để điều trị khi có F0 với việc lắp đặt 2 máy tạo oxy, 4 máy đo hàm lượng oxy trong máu, 1.500 bộ test nhanh và các loại thuốc điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Để công nhân an tâm ở lại làm việc, công ty tổ chức 3 bữa ăn/ngày, hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3 triệu đồng/ người/tháng và đến ngày 30-9, các công nhân sẽ được nhận thêm 5 triệu đồng. Ông Nguyễn Hữu Hoàng cho biết thêm, năm 2020 doanh số của nhà máy đạt 8.800 tỷ đồng. Năm nay, công ty khó có thể đạt được kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đề ra do tác động của dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Lợi (thứ 3 từ trái sang), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thăm nhà máy sản xuất Công ty TNHH Motomotion Việt Nam, nơi có 1.000 công nhân duy trì sản xuất “3 tại chỗ”
Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Văn Lợi đã cảm ơn và ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua để duy trì sản xuất, góp phần không làm “đứt gãy” chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa cho thị trường. Các doanh nghiệp “3 tại chỗ” đã tích cực cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc doanh nghiệp đang duy trì sản xuất “3 tại chỗ” là góp phần thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ là vừa duy trì hoạt động sản xuất, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Lợi cũng đã đánh giá cao công tác tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp và mong muốn từ nay đến ngày 30-9, khi tỉnh đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Các doanh nghiệp cần chú ý tăng cường thêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đối với các nguy cơ dễ lây nhiễm từ bên ngoài vào nhà máy, nhất là chú ý đối với lực lượng thường ra vào công ty cung cấp suất ăn, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất…
Tiếp tục phát huy vai trò trạm y tế lưu động
Ngay sau buổi thăm hỏi, kiểm tra tình hình hoạt động các doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”, ông Nguyễn Văn Lợi cùng các thành viên trong đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại khu phố 6 phường Hòa Lợi, khu vực “vùng đỏ đặc biệt” của TX.Bến Cát.
Theo lãnh đạo TX.Bến Cát, khu vực này có khoảng 29.000 cư dân, trong đó đa số là người dân, công nhân lao động tạm trú tại các khu nhà trọ. Trong những ngày qua, địa phương cũng đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng để “bóc tách” F0 khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, số lượng F0 trong khu vực vẫn còn. Phân tích, nhận định về việc F0 xuất hiện kéo dài tại khu vực này thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý một trong những nguyên nhân F0 không hết và xuất hiện có thể do một bộ phận người dân chưa thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, thông điệp “5K” của Bộ Y tế và tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu địa phương cần tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong khu phong tỏa, có như vậy mới chặn đứng được các nguồn lây nhiễm.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu lãnh đạo TX.Bến Cát và phường Thới Hòa cần tập trung lực lượng để “đánh nhanh”, “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng. Những phường “đỏ đậm đặc” như Thới Hòa cần phải bố trí từ 2 đến 3 trạm y tế lưu động để bảo đảm đưa y tế đến một cách nhanh nhất, gần nhất cho người dân; đồng thời bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, góp phần giảm ca nặng và tử vong trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất kế hoạch cho các địa phương trên toàn tỉnh trong thời gian 5 ngày, đến ngày 26-9 phải thực hiện sàng lọc tìm hết F0. Lực lượng y tế địa phương, đặc biệt là các trạm y tế lưu động trong thời gian tới đóng vai trò chủ đạo trong xử lý nơi xuất hiện dịch bệnh cũng như điều trị cho các F0 không triệu chứng cách ly, theo dõi điều trị tại nơi cư trú.
MINH DUY