Đưa thông tin khoa học về nông thôn: Cách làm hay, nhưng…

Thứ hai, ngày 30/09/2013

  ND đến truy cập internet tại điểm TT KHCN xã Minh Tân (Dầu Tiếng)  “Người bạn” của nông dân

Hiện nay, tại mỗi xã, thị trấn huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo đều có điểm TT KH-CN, được bố trí ở những nơi thuận tiện để người dân có thể đến tìm kiếm thông tin nhanh nhất. Từ đó, giúp ND có thêm kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Đơn cử, bà Nguyễn Thị Minh Tấn (ấp Long Thọ, xã Long Hòa, Dầu Tiếng) là gương điển hình tiêu biểu về việc ứng dụng KH-CN trong sản xuất nấm và bán nguyên liệu nấm bào ngư. Trước đây, khi “chập chững” vào nghề, bà gặp nhiều khó khăn trong việc ươm, trồng, thu hoạch nấm. Với suy nghĩ “thất bại là mẹ thành công”, bà tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng nấm từ các chủ trang trại trồng nấm khác; đồng thời tự nghiên cứu qua sách báo, tài liệu tại điểm TT KH-CN xã Long Hòa. Nhờ những kinh nghiệm được ND chia sẻ qua internet, nguồn TT do Sở KH-CN cung cấp, hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp… bà đã thành công với các quy trình trồng, chăm sóc nấm. Hiện nay, mỗi năm gia đình bà thu lãi trên 100 triệu đồng. Bà Tấn bộc bạch: “Trước kia chưa có mạng internet, tôi chẳng biết phải hỏi ai, nay thì chuẩn bị nuôi con gì, trồng cây gì, tôi đều lên điểm TT KH-CN của xã để tìm hiểu từ cách lựa chọn giống, chăm sóc, giá cả, nhu cầu thị trường... Cứ vài ngày, tôi lại lên mạng tìm TT một lần, cũng có khi cán bộ quản lý điểm TT KH-CN tìm tài liệu, in ra rồi cho mượn”.

Ông Trần Trọng Tuyên, Giám đốc Trung tâm Tin học và TT KH-CN (Sở KH-CN) cho biết, mỗi máy tính tại các điểm TT được lưu trữ 3.000 phim, 10 vạn câu hỏi, 6.000 luận văn nghiên cứu về KH-CN; 1 website nằm trong Cổng TT KH-CN Bình Dương với các TT hữu ích giúp bà con ND chủ động trong việc phòng ngừa dịch bệnh, phát triển cây trồng, vật nuôi, thay đổi lối canh tác theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, đạt chất lượng. Những hoạt động của các ấp, xã, như hội họp, công bố điểm tái định cư, hiến máu tình nguyện, xây nhà tình thương… đều được cán bộ ở các điểm đưa lên trang web và hàng tuần có báo cáo về sở.

Không chỉ tìm hiểu tài liệu về kỹ thuật trồng trọt, người dân trong huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo còn đến điểm TT KH-CN để tìm đọc tài liệu hay về cách nấu ăn, chế độ dinh dưỡng, cách phòng chống bệnh tật và những câu chuyện hay trong cuộc sống. Nhờ “chuyên gia” internet, nhiều người đã có ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình; nâng cao nhận thức về bệnh tật; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Cần phổ biến, nhân rộng

Hiệu quả từ những điểm TT KH-CN rất lớn nhưng hiện nay chỉ có huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng đã được triển khai. Các huyện khác, dự án vẫn đang “chờ” phê duyệt. Ngoài ra, khó khăn tại các điểm TT là nguồn nhân lực quản lý, điều hành. Nhiều điểm cán bộ được tập huấn cách sử dụng, tra cứu, in ấn TT cho nhân dân. Khi ND cần TT có thể sử dụng một cách thành thạo, có nhiều sáng kiến trong việc áp dụng tiến bộ của KH-CN vào lĩnh vực công tác; nhiệt tình giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi khi người dân đến điểm truy cập, tìm sách báo, tài liệu, sao chép băng đĩa... Tuy nhiên, còn không ít điểm, người dân vẫn chưa khai thác hết được nguồn TT phong phú, dồi dào ở các điểm TT KH-CN. Do đó, các điểm TT KH-CN vẫn chưa phát huy hết hiệu quả và tiềm năng sẵn có.

Ông Đỗ Văn Châu, Chủ tịch Hội ND xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, cho rằng: Hiện nay, một số xã có điểm TT đặt tại phòng Hội ND xã nên ND “ngại” đến truy cập. Do đó, Sở KH-CN, cũng như UBND địa phương cần rà soát nơi thuận tiện đặt điểm TT để người dân dễ tiếp cận. Đồng thời, cần tăng cường thêm cán bộ quản lý, có chế độ phù hợp, bởi hiện nay đa số do cán bộ Hội ND xã đảm nhiệm. Việc kiêm nhiệm nhiều việc sẽ gây khó khăn trong điều hành, sử dụng. Bên cạnh đó, ND đa số không biết sử dụng internet để tra cứu, khi cần họ đều nhờ cán bộ Hội ND tìm giúp, in ra và mang về nhà đọc. Bởi vậy, Sở KH-CN và Sở Thông tin và Truyền thông cần xem xét việc tập huấn cho ND sử dụng internet trước khi nghĩ đến việc tiếp tục lập điểm TT KH-CN.

“Để các điểm TT KH-CN phát huy hơn nữa hiệu quả, thời gian tới Sở KH-CN sẽ tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu; bổ sung thêm các phim tài liệu, khoa học, tuyên truyền phổ biến những lợi ích thiết thực của điểm TT KH-CN để bà con ND tiếp cận đông đảo, chất lượng. Đồng thời, sở sẽ xin chủ trương tập huấn cho ND cách sử dụng internet; hướng dẫn cán bộ quản lý cách sửa chữa những lỗi thông thường khi vận hành máy… Đặc biệt, trang TT KH-CN của sở sẽ có mục hỏi đáp với các chuyên gia trong ngành trồng trọt, chăn nuôi…”, ông Tuyên, nhấn mạnh.

TỐ TÂM