Đưa nghiên cứu khoa học vào sản xuất: Sớm tháo gỡ rào cản

Thứ bảy, ngày 14/07/2018

(BDO)  Theo các chuyên gia, hiện nay, điều mà nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất là lợi nhuận, nhưng lại chưa nhận thức hết vai trò quan trọng của công nghệ để tăng năng suất, tăng giá trị của sản phẩm. Trong khi đó, nhà khoa học lại chỉ quan tâm tới nghiên cứu mà ít có kiến thức và điều kiện để thương mại hóa kết quả nghiên cứu...

Đề tài nghiên cứu khoa học ít được thương mại hóa

Hiện nay, ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu của phần lớn các đề tài, dự án sau khi nghiệm thu đều vướng mắc trong việc chuyển giao vào sản xuất và đời sống. Việc gắn kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp luôn là mối quan tâm chung hiện nay, để làm sao đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ. Đối với Bình Dương, điều này vô cùng quan trọng trong bối cảnh tỉnh đang triển khai xây dựng thành phố thông minh theo mô hình liên kết “ba nhà”: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là vấn đề đang gặp những rào cản từ nhiều phía.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm trường Đại học Thủ Dầu Một, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do nhiều giải pháp, sáng chế công nghệ của các nhà khoa học chưa hoàn thiện, mới đang ở quy mô phòng thí nghiệm, đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài mới có thể ứng dụng, khai thác thương mại. Thêm vào đó, nhà nghiên cứu khi triển khai công trình dựa vào lý thuyết mà chưa bám sát thực tế hoặc không xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, tiến sĩ Thương cho rằng cần có sự kết nối giữa các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp để có thể ứng dụng, chuyển giao công nghệ từ các đề tài nghiên cứu khoa học tại địa phương nhằm tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người làm nghiên cứu. Thực tế cho thấy, từ phòng thí nghiệm ra đến thực tế sản xuất là một quãng đường xa, thậm chí có những công trình đã chuyển giao thì chính người nghiên cứu phải bám sát vào thực tế để điều chỉnh rất nhiều lần, từ đó mới có sản phẩm ứng dụng rộng rãi.

Đoàn cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre tham quan Trung tâm Thực nghiệm của trường Đại học Thủ Dầu Một. Ảnh: TIỂU MY

Theo ghi nhận, hiện nay các doanh nghiệp tại Bình Dương khi muốn đầu tư công nghệ sản xuất, cải tiến công nghệ cũ hay ứng dụng công nghệ tạo ra sản phẩm mới thường chưa chú trọng nhiều đến lực lượng đông đảo từ các trường đại học. Đa số doanh nghiệp đã lựa chọn hướng tự đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm riêng, mời các nhà khoa học về làm việc tại công ty để nghiên cứu giải pháp phục vụ trực tiếp cho sản xuất. Ðây là hướng đầu tư có thể mang về lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp.

Nguyên nhân của vấn đề này, các nhà chuyên môn cho rằng là do doanh nghiệp cần thời gian nhanh, giải quyết vấn đề tối ưu nhất mà họ cần. Khó khăn khi đặt vấn đề với các đơn vị đào tạo được cho là khi thương thảo chính thức, doanh nghiệp và nhà khoa học chưa giải được bài toán: Doanh nghiệp đầu tư sẽ được gì, tốn bao nhiêu kinh phí, bao lâu sẽ hoàn vốn, hợp tác ra sao?... Chính vì vậy, doanh nghiệp không dám hoặc không nghĩ đến chuyện mạo hiểm với chính sự tồn tại của chính họ.

Giải pháp nào cho sự gắn kết?

Hiện cả nước đã có sàn giao dịch công nghệ là đầu mối tập hợp nguồn lực khoa học và công nghệ. Ðây là môi trường thuận lợi để doanh nghiệp và nhà khoa học gặp gỡ, trao đổi trong việc mua bán, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, thực tế thành công từ việc ký kết này không nhiều. Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng hệ thống giáo dục đại học gắn liền yêu cầu thực tiễn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp đang đóng vai trò “săn bắt” hơn là “nuôi trồng” nguồn nhân lực trong tương lai.

Tại hội thảo “Xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp công, nông nghiệp trong hoạt động khai thác sáng chế và chuyển giao công nghệ của Đài Loan” do Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia phối hợp với Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ tổ chức mới đây, giáo sư Wang (Đại học Đài Loan) cho biết thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các trường đại học đang là trọng tâm của các chính sách kinh tế ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Kinh nghiệm của Đài Loan cho thấy, khởi đầu những năm 1960, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, nghèo tài nguyên khoáng sản, đại đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ với công nghệ lạc hậu nhưng hiện nay đã có một cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ năng động, đầy khát vọng làm giàu nhờ gắn kết chặt chẽ với đội ngũ các nhà khoa học. Có hai con đường chủ yếu để kết nối giữa doanh nghiệp và viện, trường đó là: cùng nhau hợp tác thực hiện những dự án chung và tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp (vườn ươm doanh nghiệp).

Kinh nghiệm từ Israel cho thấy, để có được sự phát triển tiếp theo cho đất nước thì Nhà nước không có lựa chọn nào khác ngoài tích cực đưa ra những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ở Israel, theo thống kê cứ mỗi USD đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sẽ đóng góp cho nền kinh tế 6 USD giá trị sản phẩm công nghiệp. Với sự chú trọng cùng những chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp trong nước đổi mới sáng tạo, kể từ đầu thập niên 1990 Israel đã phát triển vượt bậc, tới năm 2009 đạt giá trị GDP cao hơn so với dự kiến lũy tiến theo xu hướng tăng trưởng trước đó tới 25 tỷ USD, tương đương 10% GDP.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để có thể thúc đẩy thương mại hóa nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học cần chủ động bám sát nhu cầu của thị trường, từ đó nghiên cứu các thiết bị, dây chuyền công nghệ phù hợp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động. Các cấp có thẩm quyền cần hoạch định chính sách, xây dựng cơ chế cho hoạt động khai thác và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Theo các giảng viên, điều mà họ và các trường đại học đang gặp khó là kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học chưa nhiều. Bên cạnh đó, cơ chế dành cho nghiên cứu khoa học còn chưa sát với nhu cầu thực tế nên việc thiếu hụt kinh phí, gánh nặng kinh phí… khiến người làm khoa học không đủ tiềm lực để triển khai một đề tài lớn. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước cho hoạt động nghiên cứu khoa học hiện nay thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý nhưng lực lượng thực thi lại là giảng viên các trường đại học. Đây là điều bất hợp lý khi mà ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học không được phân bổ trực tiếp đến các trường đại học, mà chủ yếu thông qua cơ chế chương trình, đề tài cấp Nhà nước…

Các chuyên gia cũng cho rằng, Nhà nước có thể định hướng hoạt động nghiên cứu vào giải quyết yêu cầu đặt ra từ khu vực sản xuất, giải quyết các bài toán của doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước nên có nhiều hơn các giải pháp thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu; có giải pháp hình thành chuỗi giá trị hàng hóa các sản phẩm sáng tạo trong nước để kết nối doanh nghiệp sáng tạo với nhà khoa học. Có như vậy, những nghiên cứu mới thật sự mang tính khả thi cao, phát huy hiệu quả ứng dụng vào sản xuất và đời sống trong thời gian nhanh nhất.

 Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết sở đang nỗ lực phát triển mô hình “ba nhà”, thúc đẩy kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để vai trò kết nối và thúc đẩy đạt được hiệu quả thì cần phải xác định được nhu cầu thực sự của các doanh nghiệp. Hiện sở cũng đang triển khai Sàn giao dịch công nghệ điện tử với mục đích hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp chào bán và tìm mua các thiết bị công nghệ một cách nhanh chóng. Sở sẽ rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai sàn giao dịch công nghệ của các địa phương trong cả nước, tập trung nghiên cứu các phương án để vận hành sàn giao dịch tại Bình Dương hiệu quả hơn.

 

TIỂU MY