Đưa Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII đi vào cuộc sống: Phát huy truyền thống, giá trị văn hóa trong học đường
Nhà trường là nơi rèn luyện, giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS. Từ khi bước vào bậc tiểu học, HS đã được nghe những bài giảng về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, về những chiến công oanh liệt, những trận đánh làm nên lịch sử, những tấm gương kiên trung, anh dũng. Trong chương trình giáo dục, ngoài việc cung cấp kiến thức, thông qua bài học còn giáo dục truyền thống cho HS gắn với các giá trị bảo tồn. Đối với môn lịch sử, ngoài những nội dung về lịch sử Việt Nam nói chung, HS còn được trang bị kiến thức về lịch sử địa phương. Cô Đặng Thị Diệu, giáo viên dạy sử trường THPT Huỳnh Văn Nghệ (Tân Uyên) chia sẻ, môn lịch sử có vai trò quan trọng trong giáo dục đạo đức truyền thống cho HS. Thể hiện lòng yêu nước, HS phải hiểu rõ về lịch sử dân tộc mình và người giáo viên có trách nhiệm truyền lửa để HS yêu thích môn lịch sử. Hội trại “Học sinh Bình Dương hướng về biển đảo” do Sở GD-ĐT tổ chức, góp phần giáo dục học sinh tình yêu quê hương, biển đảo của Tổ quốc
Học đi đôi với hành, thời gian qua, các trường tiểu học, THCS thường tổ chức cho HS tham quan các di tích lịch sử văn hóa như: Chùa Hội Khánh, di tích Nhà tù Phú Lợi, Bảo tàng chứng tích chiến tranh tại TP.HCM… qua tham quan đã khơi dậy trong HS lòng tự hào, truyền thống dân tộc. Tại trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (TP. TDM), đối với các môn: văn, sử, địa, sinh học, họa, nhà trường cho các em đi thực tế ở Nam Cát Tiên, Sở thú, di tích Nhà tù Phú Lợi, riêng môn văn các em được tham gia lễ hội Kỳ yên ở Đình Bà Lụa để biết thêm những phong tục, lễ hội của người Việt.
Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT: Trong chương trình giáo dục phổ thông, việc giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho HS bằng nhiều hình thức, qua nhiều môn học và ở những góc độ khác nhau. Toàn ngành nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường. Văn hóa học đường là một bộ phận cấu thành của hệ thống giáo dục quốc dân và mang bản sắc chung của nền văn hóa dân tộc. Văn hóa học đường là hệ thống các chuẩn mực, giá trị giúp các cán bộ quản lý nhà trường, thầy cô, phụ huynh và HS có cách thức suy nghĩ, tình cảm hành động tốt đẹp. Các đơn vị, trường học thực hiện tuyên truyền văn hóa học đường qua nhiều hình thức, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt chuyên đề, hoạt động văn hóa - văn nghệ… các ngày lễ lớn trong năm, các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần như: ôn lại truyền thống lịch sử dân tộc, của ngành, đơn vị, tổ chức cho HS tham quan các di tích lịch sử, văn hóa và còn nhiều hoạt động khác.
Giáo dục truyền thống văn hóa cho HS còn được các trường lồng ghép qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Thầy Nguyễn Văn Sự, Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Hòa (Phú Giáo) cho biết: “Trường chúng tôi rất quan tâm đến giáo dục văn hóa truyền thống cho HS. Cứ vào dịp Ngày thương binh liệt sĩ (27-7), Tết Nguyên đán là HS của trường đến chăm sóc, quét dọn bia tưởng niệm chiến thắng Vĩnh Hòa, thăm hỏi, động viên mẹ Việt Nam anh hùng ở địa phương. Hàng năm, nhà trường tổ chức cho HS về nguồn, năm 2012 các em về thăm Rạch Gầm - Xoài Mút ở Tiền Giang, năm nay các em được tìm hiểu di tích Rừng Sác ở Cần Giờ”.
Một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt là tôn sư trọng đạo. Một hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc được các trường thực hiện là lễ tri ân thầy cô đối với HS lớp 12. Tôn sư trọng đạo không chỉ là truyền thống, mà còn là đạo đức của con người. Cuối năm học, được tham dự các buổi lễ tri ân thầy cô ở các trường THPT, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc hơn về tình cảm của HS đối với người thầy, những người đã đưa HS đến bến bờ thi thức.
Thực hiện văn hóa học đường cũng là hình thức phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến. Việc xây dựng văn hóa học đường ở các đơn vị, trường học trong toàn ngành đã đi vào nề nếp. Nhà trường thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục HS về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện văn hóa học đường, ý thức bảo vệ, gìn giữ, tôn vinh các giá trị văn hóa bằng những việc làm thiết thực trong ăn mặc, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, với mọi người, ý thức tự học, tự rèn, chấp hành pháp luật, nội quy nhà trường, giúp các em trở thành những công dân có ích cho xã hội.
A.SÁNG