Đưa môn bơi lội vào giảng dạy: Học sinh rèn luyện sức khỏe và phòng chống đuối nước
Bình Dương tuy không phải là tỉnh có nhiều sông nước, nhưng năm nào cũng có trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước, đa số ở lứa tuổi tiểu học. Năm nay số vụ đuối nước xảy ra ít hơn các năm, nhưng vụ nào cũng thương tâm, làm đau lòng cho những người thân của trẻ.
Những cái chết đau lòng
Trường hợp 2 chị em cháu Phan Thị Hoàng Việt, sinh năm 2003 và cháu Phan Việt Hoàng, sinh năm 2005, ở xã Lai Hưng (Bến Cát) bị chết đuối vào ngày 12-6 vừa qua vẫn còn gây xôn xao trong dư luận. Mỗi khi nhắc lại, bà con ở ấp Cầu Sắt thương cảm cho sự ra đi của 2 cháu bé. Do không được người lớn cảnh báo, nhắc nhở, 2 cháu đi chơi gần bờ hồ trong ấp và chẳng may bị trượt chân té xuống hồ và bị chết đuối. Thương nhất là bà Nguyễn Thị Dinh, mẹ của 2 cháu. Chồng bà đã bỏ 3 mẹ con để đi tìm hạnh phúc khác, một mình bà vừa chống chọi với bệnh tật, vừa nuôi 2 con nhỏ. Sự ra đi đột ngột của 2 đứa con khiến cho bà gần như không gượng dậy nổi, căn bệnh càng thêm trầm trọng.
Bơi lội giúp học sinh rèn luyện sức khỏe và phòng chống đuối nước
Trường hợp 3 cháu bé bị chết đuối ở sông Thị Tính vào mùng 5 tết là một bài học cảnh tỉnh cho những người lớn về sự an toàn khi lưu thông trên đường thủy. Còn nhớ khoảng 9 giờ sáng ngày hôm ấy, chị Trần Vụ Ngọc Dung ở ấp Giáng Hương, xã An Lập (Dầu Tiếng) chèo xuồng đưa con và 2 đứa cháu ra đập Hàng Nụ vượt sông Thị Tính vớt bèo về cho vịt ăn. Khi chèo thuyền ra cách bờ khoảng 35m thì xuồng bị lật giữa dòng nước sâu, khiến cho cả 4 người bị chết đuối. Sự ra đi của 4 người trong cùng gia đình đã để lại sự đau đớn, thương tiếc cho những người thân của họ. Tội hơn hết là 3 đứa trẻ, chúng phải sớm từ giã cõi đời khi tuổi còn quá nhỏ, chỉ vì sự bất cẩn của người lớn.
Giải pháp phòng chống đuối nước ở trẻ
Để không còn những trường hợp trẻ bị đuối nước, biện pháp phòng chống đã được các ngành chức năng tính đến. Một trong những giải pháp đó là tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó có phòng chống đuối nước. Bà Vũ Thị Kim Hiền, Trưởng phòng Chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2012 và những năm trước đây sở đã tổ chức nhiều lớp nói chuyện chuyên đề, tập huấn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, tập huấn cách chăm sóc trẻ cho các bà mẹ và những người giữ trẻ... tuy nhiên, hàng năm vẫn còn xảy ra trường hợp trẻ bị đuối nước. Vì vậy, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền cho nhân dân ở các địa phương, để trẻ em không còn phải chết oan uổng như thời gian qua.
Một giải pháp phòng chống đuối nước hữu hiệu nhất đó là đưa môn bơi lội vào giảng dạy trong trường phổ thông. Thực hiện chủ trương này của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), năm học 2011-2012 Sở GD-ĐT đã khuyến khích các trường có điều kiện đưa môn bơi lội vào giảng dạy cho học sinh. Ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngành đã có một số công tác chuẩn bị như đã cử giáo viên đi tập huấn nghiệp vụ chung về chống đuối, đào tạo nguồn nhân lực, hướng dẫn thực hiện dạy bơi trong nhà trường đối với những trường có đủ điều kiện dạy bơi. Bình Dương không phải là địa phương có đuối nước phổ biến, nhưng đây là việc cần phải làm. Để việc dạy bơi có tính khả thi, cần có sự phối hợp giữa Sở GD-ĐT với các sở ngành, chỉ đạo của cấp trên để đáp ứng cơ sở vật chất và an toàn vệ sinh cho học sinh khi tập luyện.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số trường có dạy bơi cho học sinh, chủ yếu là các trường tư thục như trường Trung Tiểu học Việt Anh, Pétrus Ký, trường Đức Trí. Ở hệ công lập, có một số trường phối hợp với các trung tâm văn hóa thể thao tổ chức dạy bơi cho học sinh. Cụ thể như trường THCS Nguyễn Văn Tiết (TX.Thuận An), trong năm học vừa qua đã triển khai môn bơi lội trong chương trình môn thể dục tự chọn cho trên 550 học sinh lớp 6. Nhà trường đã hợp đồng với hồ bơi SEPZONE thuộc Công ty Thể thao giải trí Nhật Quang, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn bơi cho các em. Học sinh được các huấn luyện viên hướng dẫn lý thuyết và kỹ thuật bơi.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, việc đưa môn bơi lội vào giảng dạy cho học sinh còn khó khăn do thiếu hồ bơi. Nhưng nếu mỗi trường xây dựng một hồ bơi thì quá lãng phí. Hơn nữa, việc quản lý hồ bơi không phải là vấn đề đơn giản, thế nên, không nhất thiết mỗi trường phải có hồ bơi. Để phổ cập bơi lội cho học sinh trong năm học tới, các trường học trong tỉnh cần phối hợp với các trung tâm văn hóa thể thao huyện, thị để tổ chức dạy bơi cho học sinh trong nhà trường.
A.SÁNG