Đưa hàng Việt đến với công nhân

Thứ tư, ngày 26/08/2015

(BDO)

Đưa hàng Việt đến với công nhân lao động (CNLĐ) không chỉ là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng thói quen cho CNLĐ về sử dụng hàng Việt, mà còn là dịp để người lao động có thu nhập thấp tiếp cận được hàng hóa vừa túi tiền, bảo đảm chất lượng…

Phiên chợ hàng Việt kết hợp với Ngày hội giới thiệu việc làm tại Khu công nghiệp Mỹ Phước III (TX.Bến Cát) phục vụ TNCN. Ảnh: Q.NHIÊN

Hàng Việt đến nhiều hơn với người lao động

Ông Đỗ Văn Phùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh cho biết, hàng tháng trung tâm đều tổ chức các phiên chợ hàng Việt lồng ghép với Ngày hội giới thiệu việc làm đến thanh niên công nhân (TNCN). Mỗi phiên chợ có quy mô hơn 20 doanh nghiệp (DN) tham dự. Đây là dịp để DN quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng Việt có uy tín; tổ chức nhiều chương trình giảm giá nhằm thu hút ngày càng nhiều khách hàng đến mua sắm hàng Việt.

Ghi nhận tại các chợ trên địa bàn tỉnh cho thấy, sức tiêu thụ hàng Việt của CNLĐ thời gian gần đây đã sôi động hơn; chất lượng, mẫu mã sản phẩm do DN trong nước sản xuất đã đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng. Hiện nay, việc mở rộng hệ thống phân phối ở khu vực nông thôn, khu dân cư nơi có đông người dân sinh sống đang được các ngành, các cấp và DN chú trọng.

Chị Huỳnh Ngọc Điệp, Bí thư Liên Chi đoàn Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương cho biết, các chi đoàn của công ty thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các bạn đoàn viên thanh niên hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đặc biệt, liên chi đoàn đã tổ chức chương trình bán hàng hỗ trợ giá cho TNCN với sản phẩm áo sơ mi cao cấp Unicol (được hỗ trợ giá bán từ 40% trở lên) và tham gia hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn do Sở Công thương tổ chức.

Bên cạnh đó, thời gian qua, siêu thị công đoàn tại nhiều công ty trên địa bàn tỉnh cũng đều bày bán những sản phẩm nhãn hiệu Việt Nam; sản phẩm đa dạng, phong phú, bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp với thu nhập của CNLĐ.

Thay đổi thói quen tiêu dùng

Khảo sát tại chợ Khu dân cư Viet-Sing (phường Thuận Giao, TX.Thuận An) cho thấy, hàng Việt chiếm phần lớn trong các quầy sạp tại đây. Tại quầy kinh doanh mặt hàng nhôm, nhựa gia dụng của anh Phạm Nhật Tân, hàng hóa bày bán ở đây chủ yếu sản xuất tại Việt Nam với các nhãn hiệu Duy Tân, Hoàn Cầu, Bình Minh, Thành Phát... Anh Tân cho biết, thời gian gần đây, khi mua sắm, đa số khách hàng đều quan tâm đến nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra kỹ nhãn mác nên khi nhập hàng, anh ưu tiên chọn hàng do các DN trong nước sản xuất. Hàng sản xuất trong nước tại quầy của anh bán rất chạy.

Tại các siêu thị công đoàn ở Công ty Giày Thái Bình, Công ty Sao Việt, Công ty Pung Kook Sài Gòn 2 và 3..., hàng Việt chiếm đa số và đều có giá rẻ hơn so với các điểm bán bên ngoài công ty. Giá rẻ, thực phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cùng vị trí thuận tiện giúp cho các siêu thị này trở thành nơi lựa chọn mua sắm hàng đầu của CNLĐ.

Chị Nguyễn Thị Hồng Cúc, công nhân làm việc cho một công ty trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1 (TX.Thuận An) chia sẻ, trước đây khi mua sắm, chị chỉ quan tâm đến giá cả nhưng hiện nay, chị còn chú ý đến xuất xứ và chất lượng hàng hóa. Những nhãn hiệu uy tín, được bình chọn “Hàng Việt Nam chất lượng cao” luôn là lựa chọn đầu tiên của chị. “Tôi thấy các mặt hàng do Việt Nam sản xuất gần đây có cải tiến về mẫu mã, chất lượng, giá cả lại hợp lý. Vì vậy, từ các mặt hàng sử dụng hàng ngày trong gia đình như bột giặt, gia vị, đồ gia dụng đến giày dép, quần áo may sẵn tôi đều ưu tiên chọn hàng Việt Nam”, chị Cúc nói. 

Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào cuộc sống, các chuyên gia cho rằng, tới đây, các ngành chức năng cần tăng cường bảo vệ quyền lợi, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng; các doanh nghiệp trong nước chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa để tạo niềm tin cho khách hàng khi mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước. Quan trọng hơn, khách hàng cần là người tiêu dùng thông minh để có thể tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình mình.

 Q.NHIÊN