Đưa hàng Việt chất lượng cao về với người lao động
(BDO) Góp phần phát triển thị trường trong nước, thực hiện các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, mới đây ngành công thương đã tổ chức đưa hàng Việt về tại xã Phú An, TX.Bến Cát, đáp ứng yêu cầu mua sắm của người lao động, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Người dân mua sắm tại phiên chợ đưa hàng Việt về xã Phú An, TX.Bến Cát
Hàng Việt chất lượng cao
Với mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng, hàng hóa do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người lao động khu vực này. Ngoài việc mua hàng tại chỗ, nhiều ý kiến còn đề xuất tổ chức các phiên chợ hàng Việt thường xuyên để họ được mua sắm nhiều hơn. Chị Hà Thị Hải, công nhân (xã Phú An) trên tay xách túi đồ lớn vừa mua, cho biết: “Tôi rất mừng là mua được hàng giá rẻ hơn thị trường, lại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ở đây vốn chỉ có chợ nên chúng tôi chỉ có một sự lựa chọn, cũng không biết được nguồn gốc hàng hóa. Nay nhờ có chương trình hỗ trợ, không những được mua hàng rẻ hơn, mà còn được bảo đảm chất lượng”.
Tương tự chị Hải, nhiều người dân, người lao động cũng đã đến mua hàng bảo đảm chất lượng, giá rẻ hơn so với thị trường. Anh Nông Văn Hòa (xã Phú An) cho biết, tranh thủ ghé mua quần áo giày dép gửi về quê cho con chuẩn bị đón tết.
Đánh giá về ý nghĩa của chương trình, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết, phiên chợ nhằm quảng bá và bán các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam có chất lượng với giá ưu đãi phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, công nhân tại xã Phú An và một số vùng lân cận”. Đây cũng là cơ hội để DN nắm bắt được nhu cầu thị trường, nắm rõ hơn thị hiếu khách hàng. Thông qua phiên chợ, người lao động và nhân dân trên địa bàn được tiếp cận sản phẩm sản xuất trong nước có chất lượng bảo đảm, giá cả phải chăng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN có nhiều cơ hội phát triển kênh phân phối hàng hóa tại địa phương, góp phần kích cầu tiêu dùng. Qua đó, giúp DN cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng xu thế cạnh tranh gay gắt trong điều kiện hiện nay.
Theo ông Đỗ Huy Cường, quản lý Công ty TNHH Nhiêu Lộc (TX.Bến Cát), công ty phối hợp với Sở Công thương để mang hàng đến với người dân nông thôn, khu công nghiệp. “Các sản phẩm của chúng tôi là hàng nông sản, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng. Thông qua hoạt động này, chúng tôi cũng hiểu rõ tâm lý, nhu cầu người tiêu dùng và tiềm năng của thị trường nội địa để nâng cao năng lực sản xuất”, ông Cường nói. Ông Lưu Văn Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất Đất Việt (TX.Bến Cát), chia sẻ đến với phiên chợ, công ty không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà quan trọng hơn là mong muốn người lao động hiểu được cách phân biệt sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe.
Vận động DN tham gia
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết hàng năm các phiên chợ hàng Việt được công nhân ưa chuộng bởi giá phải chăng, chủ yếu là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng thiết yếu hàng ngày. Tổ chức các chương trình giảm giá, tặng quà thu hút rất đông công nhân đến mua sắm. “Điều chúng tôi mong muốn là ngày càng có nhiều DN tham gia chương trình với hàng hóa đa dạng và phong phú hơn để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân”, bà Nhung nói .
Hiện nay, sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế là khoảng thời gian các DN thương mại và sản xuất rất khó khăn nên việc vận động DN tham gia vào các phiên chợ hàng Việt cũng gặp nhiều vướng mắc. “Chúng tôi đã cố gắng kêu gọi hết sức để tổ chức được các phiên chợ hàng Việt”, bà Duyên chia sẻ.
Để có thể triển khai thành công việc đưa hàng Việt vào các khu công nghiệp, một trong những trọng tâm cần chú ý, theo nhiều DN, đó là họ cần biết được người lao động mong muốn điều gì, cần gì ở hàng hóa mà các nhà bán lẻ cung cấp. Ngược lại, công nhân tại các khu công nghiệp cũng cần được thông tin rộng rãi về chương trình và về lợi ích mà họ có được từ chuỗi hoạt động thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt. Để hoạt động quảng bá hàng Việt Nam đạt hiệu quả cao hơn, tiết giảm chi phí về thời gian và tiền bạc cho công nhân, các DN cần cung cấp đầy đủ thông tin giúp công nhân phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đồng thời các ngành chức năng cần làm tốt việc kiểm soát, xử lý hàng giả, hàng nhái, mất an toàn vệ sinh thực phẩm thâm nhập vào địa bàn.
TIỂU MY