Đưa đờn ca tài tử vào trường học

Thứ sáu, ngày 01/02/2019

(BDO) Đó là một buổi học ngoại khóa rất thú vị của học sinh (HS) trường THCS Nguyễn Trung Trực, thuộc phường Hưng Định, TX.Thuận An. Các em được tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) ngay tại trường học của mình để tự hào thêm về một di sản văn hóa phi vật thể của người dân Nam bộ...


Các nghệ sĩ hát cùng học sinh trường THCS Nguyễn Trung Trực

ĐCTT Nam bộ từ lâu đã đi vào đời sống của người dân quê một cách hồn nhiên mà sâu lắng. Nằm trong kế hoạch góp phần thực hiện tốt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2016-2020”, phường Hưng Định, TX.Thuận An đã đưa bộ môn này đến với HS. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền sâu rộng loại hình văn hóa truyền thống dân tộc đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đến đối tượng là HS, giáo viên, đoàn viên trong toàn trường cũng như tuyên truyền cho phụ huynh HS, cho những ai yêu thích ĐCTT. Hoạt động này còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành và truyền dạy nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trong trường học dưới hình thức hoạt động ngoại khóa.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Phó Bí thư Phường đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội phường Hưng định, cho biết: “Đây là lần đầu tiên bộ môn ĐCTT được đưa vào giới thiệu trong trường học. Các em HS rất thích thú khi tìm hiểu về nhạc cụ dân tộc về cách hát được các điệu lý, cải lương... Theo tôi nghĩ, để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này, chúng ta phải giáo dục các em HS từ nhỏ để biết yêu hơn nghệ thuật ĐCTT mà ông cha ta đã sáng tạo nên và lưu truyền bao đời nay”.

Trong buổi giao lưu hôm đó, HS rất thích thú khi được các nghệ sĩ cho biết thế nào là lục huyền cầm, đàn bầu, đàn tranh... Một HS cho biết rằng, ở nhà thấy bà nội hay nghe cải lương, ĐCTT thì biết vậy thôi chứ không hiểu tường tận như khi em được giới thiệu khái quát về loại hình nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Cũng trong buổi giao lưu đó, các nghệ sĩ đã biểu diễn các bài bản ĐCTT là những bài hát ca ngợi đất nước, con người, thiên nhiên quê nhà và ca ngợi lòng hiếu thảo, tình bằng hữu, nhân nghĩa và tinh thần bảo vệ chủ quyền bờ cõi non sông. Những tiết mục được các nghệ sĩ biểu diễn, như: Nhớ cha trong mùa phượng đỏ, Khúc ca dâng Bác, trích đoạn Trưng Trắc - Trưng Nhị… đã khiến HS thêm thích thú và hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật này.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn tập cho các em HS hát các bài lý, bài bản về ĐCTT (20 bài bản Tổ) và khuyến khích các em lên sân khấu biểu diễn. Các nghệ sĩ nhận xét và trao quà, đố vui có thưởng nên đã thu hút các em nhập cuộc khá hào hứng.

Chị Huỳnh Thị Thu Đông, giáo viên dạy tiếng Anh yêu thích ĐCTT đã đến biểu diễn cho các em HS ở trường Nguyễn Trung Trực. Chị Thu Đông không những đi diễn một mình mà còn đem theo con của chị để diễn chung. Bé mới học lớp 4 và đã ca rất mùi mẩn theo mẹ. Chị cho biết bé học ĐCTT từ mẹ. Ban đầu cũng nhát lắm nhưng sau một vài lần đi cùng mẹ biểu diễn ĐCTT ở các câu lạc bộ thì bé tự tin hơn khi lên sân khấu.

Cũng theo chị Nguyễn Ngọc Thảo, trong kế hoạch chung, sau trường THCS Nguyễn Trung Trực thì các trường khác trên địa bàn TX.Thuận An cũng sẽ được tổ chức hình thức này. Mô hình “sân khấu học đường” giới thiệu, giao lưu ĐCTT sẽ là một hoạt động lan tỏa và có ý nghĩa trong việc giáo dục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ cho thế hệ trẻ.

QUỲNH NHƯ