“Đưa đò” - một nghề cao quý

Thứ tư, ngày 22/05/2013

Đó là nhận xét của cô giáo Lê Thị Hồng Thủy, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Lợi (TP. TDM). Vì vậy cô luôn hết lòng tận tụy với nghề, dù ở vị trí nào cô cũng cố gắng hết mình để dạy dỗ học trò nên người.

Tiếp chúng tôi, cô tươi cười bảo: “33 năm theo nghề, mặc dù thời gian trực tiếp đứng lớp không nhiều - chỉ 5 năm, n h ư n g với tôi ở c ư ơ n g vị công tác nào cũng đòi hỏi sự tận tâm, niềm say mê và hết lòng cống hiến. Có như vậy mới hoàn thành tốt được công việc”.

Những năm sau giải phóng khó khăn trăm bề, bản thân cô vừa học vừa làm. Ra trường, cô được phân công về xã vùng sâu, vùng xa Minh Hòa (Dầu Tiếng) giảng dạy. Cô kể: Thời nào cũng có cái vui của nó, vậy mới tồn tại được. Thầy, cô ở xa cùng gắn bó ở những khu nhà tập thể. Học trò cứ tíu tít theo cô giáo. Có quả bầu, bí ngon, phụ huynh đều dành tặng cô giáo… Cứ thế, tình thầy - trò gắn kết, thắt chặt. Cô Thủy xúc động nhớ lại: “Ngày đó mà không có những tình cảm đó, chắc mình không trụ được với nghề”.  

Cô Thủy luôn quan niệm “chữ tâm” có ý nghĩa rất quan trọng đối với người giáo viên. Khi lên lớp, điều đầu tiên là giáo viên phải tận tâm chỉ bảo các em học sinh chú ý nghe giảng, tập trung vào bài học. Đặc biệt ở cấp I, các em cần phải cầm tay chỉ việc, vì vậy “chữ tâm” càng có điều kiện phát huy. Niềm vui của cô là thấy học trò đọc đúng chữ, viết chữ đẹp, làm đúng từng con số…

Dấu ấn của cô là từ khi về nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Lợi với nhiều khó khăn như: Trường chưa xây dựng cơ sở xong phải học ghép với các trường khác nên cô gặp không ít trở ngại trong công tác điều hành, quản lý; rồi thiếu giáo viên do trường chưa đủ các khối lớp… Nhưng bằng “chữ tâm”, cô luôn biết khắc phục những khó khăn đó. Để “chuẩn” hóa đội ngũ giáo viên, cô luôn phải “chọn mặt gửi vàng” để chọn những giáo viên phù hợp với từng khối lớp. Bởi mỗi khối lớp đòi hỏi một trình độ và kỹ năng của giáo viên khác nhau. Song song đó, nhà trường thường xuyên tổ chức dự giờ, thao giảng để nâng cao trình độ cho giáo viên. Nhờ vậy, dù trong điều kiện khó khăn nhưng nhà trường vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, “dạy tốt - học tốt”. Để xây dựng một tập thể đoàn kết, vững mạnh, với vai trò người đứng đầu, cô luôn gần gũi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của giáo viên để kịp thời chia sẻ, động viên.

Gần trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô Thủy đã có nhiều đóng góp không nhỏ cho xã hội. Thế nhưng cô vẫn khiêm tốn cho rằng thành tích của mình quá nhỏ bé so với đồng nghiệp. Và mỗi ngày trôi qua, bản thân cô phải luôn tìm tòi, sáng tạo để tự hoàn thiện và nâng cao trình độ cho mình. Với mong muốn từng lớp học trò nhỏ sẽ có nền tảng kiến thức lẫn đạo đức để bước tiếp con đường phía trước, sau này làm người có ích cho xã hội.

Sự tâm huyết, say mê đã giúp cô Thủy “trụ” được với nghề cho đến ngày hôm nay và đang cống hiến hết mình cho nghề “đưa đò” của mình.

THU THẢO