Đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, giá trị tăng cao
(BDO) Những năm gần đây, nhiều nông dân các địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư kinh phí đưa công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương tự động vào quy trình sản xuất nông nghiệp. Đây là phương pháp với nhiều ưu thế vượt trội như tiết kiệm nước, giảm nhân công, chi phí, phù hợp với điều kiện sản xuất hiện đại, tăng hiệu quả kinh tế.
Tổ hợp tác Làng mai An Tây sử dụng hệ thống tưới phun tự động trong quá trình sản xuất
Ưu điểm vượt trội
Hiện nay, nhiều trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã áp dụng công nghệ phun tưới tự động với những phương thức, như: Tưới quấn quanh gốc, tưới cục bộ, phun mưa... đáp ứng nhu cầu sản xuất đa dạng các loại cây trồng trên mọi địa hình. Với ưu điểm tiết kiệm tối đa năng lượng điện, giảm công lao động, thời gian tưới và phí mua nhiên liệu chạy máy bơm. Được biết, thời gian qua, nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nước tưới bằng phương pháp phun tự động công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo các chủ trang trại, hợp tác xã, hộ nông dân sử dụng hệ thống nước tưới phun tự động, để đầu tư hệ thống phun nước tự động có chi phí khá cao, dao động từ 100 triệu đồng/ha để lắp đặt, tuy nhiên hiệu quả mang lại nhiều và thời gian sử dụng trên 10 năm. Đặc biệt, việc sử dụng hệ thống tưới phun tự động, chỉ cần bật công tắc điện cho mô tơ chạy, sau đó đi kiểm tra hệ thống ống nước, có thể tưới cho cả diện tích lớn, nhỏ bất kể thời gian và có thể điều chỉnh mức độ tưới theo ý muốn. Tùy theo từng loại cây trồng, cách thiết kế diện tích đất trồng mà chiều cao ống phun và số lượng lắp đặt vòi phun tăng, giảm, cao, thấp trên một diện tích đất canh tác.
Anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch và Vận tải Dân Tiến (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết sử dụng hệ thống tưới phun mưa tự động nước phun ra đều, tự động hóa các khâu điều khiển và dễ dàng vận hành, cây trồng được cung cấp vừa đủ nước giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra, với hình thức tưới này, vừa giúp anh tiết kiệm tài nguyên nước, vừa tiết kiệm thời gian, tiết kiệm điện và công lao động, đồng thời mang lại năng suất ổn định cho các loại cây trồng.
Hiệu quả kinh tế
Hiện bà con nông dân trong tỉnh áp dụng mô hình tưới phun rất nhiều, bởi mô hình này không những cho hiệu quả kinh tế mang lại, mà còn góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn hiện nay. Đồng thời, từng bước đưa tự động hóa, cơ giới hóa vào sản xuất. Từ đó, giúp người dân tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng tính cạnh tranh nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tại tổ hợp tác Làng mai An Tây (xã An Tây, TX.Bến Cát), nông dân đã bắt đầu làm theo định hướng và nhu cầu thị trường, tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Chia sẻ về mô hình, anh Bùi Đức Dũng, thành viên tổ hợp tác cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy đây là công nghệ tưới hiện đại có rất nhiều ưu điểm mà chi phí không quá cao nên đã quyết định đầu tư hệ thống tưới phun tự động cho vườn mai của gia đình”. Theo anh Dũng, ưu điểm lớn nhất của phương pháp tưới nước tiết kiệm này là người dân không phải tốn công đào mương dẫn nước, đồng thời điều chỉnh lượng nước tưới theo nhu cầu của từng loại cây trồng nên tiết kiệm đáng kể nguồn nước. Ngoài ra, còn có thể hòa lẫn các loại phân bón dễ hòa tan thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh tổng. Từ đó, phân bón được hòa lẫn vào nước tưới nên cây hấp thụ tốt hơn, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách tưới truyền thống.
Từ hiệu quả của hệ thống tưới phun tự động, đến nay 10 ha đất trồng bưởi da xanh, cam, quýt của anh Nguyễn Văn Tiến không ngừng phát triển. Trung bình mỗi năm, anh thu hoạch khoảng 50 - 70 tấn bưởi da xanh, với giá bán trung bình khoảng 20.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, mỗi năm anh mang lại lợi nhuận trên 500 triệu đồng. Đây là khoản lợi nhuận cao và tương đối ổn định đối với hộ nông dân làm kinh tế vườn. “Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trái ngon và sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ít sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, tôi đã xây dựng vườn bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu tôi sử dụng việc nuôi kiến vàng để phòng trừ sâu bệnh và sử dụng phân hữu cơ”, anh Tiến chia sẻ.
Có thể nói, sự chủ động ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp của nông dân Bình Dương đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống của người dân, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
THOẠI PHƯƠNG