Đưa “cái lý” đến với đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ tư, ngày 19/10/2016
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Những năm qua, ngoài việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), công tác tuyên truyền pháp luật cho đồng bào cũng được chú trọng, nhờ được tuyên truyền nên nhận thức về pháp luật của ĐBDTTS đã nâng cao. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, người đưa “cái lý” đến với ĐBDTTS đã chuyển những quy định, nghị định thành ví dụ cụ thể, sử dụng từ ngữ dễ hiểu.

(BDO)

 Cán bộ xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo đến vận động người ĐBDTTS tham dự các buổi tuyên truyền pháp luật

Thắc mắc được giải đáp

Mặc dù đang bị cảm sốt nhưng ông Hoàng Đình Bé, dân tộc Mường, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo vẫn đến dự buổi tuyên truyền pháp luật được tổ chức tại Nhà văn hóa cụm xã Tân Hiệp - Phước Sang. Buổi tuyên truyền do Phòng Dân tộc - Văn phòng UBND tỉnh phối hợp cùng Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh và UBND 2 xã Tân Hiệp, Phước Sang tổ chức.

Lý do ông Bé đến với buổi tư vấn pháp luật là để được luật sư giải đáp thắc mắc của mình. Ông hỏi: “Trường hợp bố mẹ muốn tặng cho con tài sản là đất đai thì thủ tục như thế nào?”. Thắc mắc của ông Bé được đại diện Trung tâm TGPL tỉnh trả lời, trong trường hợp này, bố mẹ có thể thỏa thuận với nhau về việc chuyển quyền sở hữu căn nhà cho các con. Khi đã thỏa thuận, hai bên sẽ lập hợp đồng tặng nhà ở theo quy định tại Điều 465 BLDS “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận”. Hợp đồng phải có công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp huyện đối với nhà ở tại thành thị, chứng thực của UBND xã đối với nhà ở tại nông thôn.

Cũng tại buổi tư vấn pháp luật cho ĐBDTTS, ông Nguyễn Văn Lâm, dân tộc Mường ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, hỏi luật sư: “Cháu tôi sống ở nơi khác, nay muốn về nhập vào hộ khẩu của cha nó. Khổ nỗi, cha nó vừa chết và để lại cho nó một miếng đất, vậy nó phải làm sao để nhập khẩu?”. Thắc mắc của ông được tư vấn, cháu ông được hưởng thừa kế mảnh đất của cha để lại. Nếu muốn nhập hộ khẩu vào hộ khẩu của người cha, anh ấy phải xin chuyển khẩu từ nơi tạm trú hay thường trú về hộ khẩu của người cha. Việc người cha mất thì căn cứ vào giấy báo tử của Tư pháp xã, Công an huyện sẽ làm thủ tục xóa tên người cha trong hộ khẩu và ghi tên người con vào hộ khẩu này.

Ngoài những câu hỏi chuyên sâu, cũng có những trường hợp người ĐBDTTS hỏi các thủ tục xoay quanh vấn đề về làm chứng minh nhân dân, giấy kết hôn… tất cả đều được các luật sư giải đáp một cách cặn kẽ, kỹ lưỡng để họ hiểu, thực hiện đúng pháp luật.

Nâng cao nhận thức pháp luật

Qua các buổi tuyên truyền có thể thấy sự am hiểu pháp luật của ĐBDTTS ngày càng được nâng cao nhờ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các địa phương, ban, ngành, đơn vị tổ chức thường xuyên, liên tục. Thế nhưng trong buổi tư vấn, người ĐBDTTS vẫn còn “e ngại” khi đặt câu hỏi để được giải đáp. Khi được hỏi nguyên nhân, họ cho rằng: “Chưa hiểu lắm các điều luật mà cán bộ nói”. Từ đó đặt ra vấn đề, người tuyên truyền pháp luật cần tránh đọc nguyên văn bản, điều luật, hay dùng thuật ngữ pháp luật khó hiểu. Với người dân tộc nên cụ thể những quy định của pháp luật ra rồi chỉ rõ điều nào bị cấm, không bị cấm.

Trong 4 năm qua (2012-2016), Phòng Dân tộc - Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp triển khai hơn 30 lớp phổ biến kiến thức pháp luật với hơn 1.800 người ĐBDTTS tham gia. Tại các buổi tuyên truyền, ĐBDTTS được tìm hiểu về Luật Đất đai, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giao thông đường bộ… Bên cạnh đó, họ còn được giải đáp những vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách, văn bản, luật.

Đại diện đoàn luật sư của Trung tâm TGPL tỉnh cho biết nói chuyện pháp luật trước ĐBDTTS như nói chuyện luật với sinh viên hoặc cán bộ xã, phường là hỏng, bởi đối tượng nghe khác nhau nên cách nói chuyện, nội dung nói cũng phải khác nhau. Vì vậy, với ĐBDTTS, việc dùng hình ảnh, câu chuyện thực tế, ngôn ngữ bình dân trong nội dung tuyên truyền… càng ngắn gọn, cô đọng càng tốt.

Theo ông Phan Ngọc Của, Phó Trưởng phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh, tuyên truyền pháp luật cho người ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn được chútrọng thực hiện. Hình thức chủyếu làtư vấn, giải đáp pháp luật, kết hợp tuyên truyền vềLuật Đất đai, Luật Hôn nhân vàGia đình, Luật Bình đẳng giới, Hiến pháp 2013… vàcác chính sách, chếđộdành cho người ĐBDTTS. Theo luật quy định, ĐBDTTS được hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí, nếu bị khởi tố hình sự hoặc tranh chấp về dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình thì sẽ được Trung tâm TGPL tỉnh cử luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý bào chữa, bảo vệ quyền lợi nếu họ yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều ĐBDTTS vẫn chưa biết đến hoạt động này. Vì vậy, để nâng cao nhận thức pháp luật cho ĐBDTTS, cán bộ phụ trách dân tộc các địa phương, người có uy tín phải tuyên truyền để họ biết đến tham dự các buổi tuyên truyền và nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm TGPL tỉnh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.

 THIÊN LÝ