Đưa AI vào môi trường giáo dục: Sử dụng có mục đích và trách nhiệm
(BDO) Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence - AI) đang phát triển nhanh chóng và từng bước khẳng định là công nghệ trụ cột, đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. AI hiện nay đang được sử dụng nhiều trong các trường đại học và cũng đặt ra vấn đề liên quan đến cách “quản lý” công cụ này.
Giảng viên hướng dẫn sinh viên sử dụng AI để phát triển dự án nhận dạng giọng nói nhằm điều khiển nhà kho thông minh tại IIC của Trường Đại học Quốc tế Miền Đông
Hiệu quả vượt trội
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương: “Chúng ta đang bước vào một thời kỳ xã hội đầy biến động với những thay đổi nhanh chóng, bất ngờ do sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo - AI”.
Chat GPT là một hệ thống trí tuệ nhân tạo dựa trên mạng nơ-ron học sâu (deep learning), có khả năng tổng hợp, tóm tắt và phân loại thông tin, từ đó có thể tạo ra văn bản tự động với độ chính xác cao. Tiến sĩ Lê Anh Vũ, Phụ trách Khoa Quản lý phát triển xã hội - Trường Luật và Quản lý phát triển thuộc Trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết đã sử dụng Chat GPT để tìm thêm ý tưởng thiết kế bài giảng tốt hơn, sinh động hơn.
Tiến sĩ Lê Anh Vũ cho biết Chat GPT giúp hỗ trợ thiết kế các hình thức đánh giá học tập, tạo thêm hứng thú cho sinh viên; việc cập nhật kiến thức, tìm kiếm những nguồn tài liệu cũng dễ dàng hơn nhiều với Chat GPT. Ngoài ra, Chat GPT giúp ích rất nhiều trong việc xử lý tài liệu như đọc và tóm tắt nội dung, phát hiện các ý tưởng. Việc ứng dụng Chat GPT giúp rút ngắn thời gian hơn trong việc thiết kế bài giảng, tổ chức các hoạt động, tìm kiếm, phân loại tài liệu cần thiết cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Ngọc Huẩn, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Công nghiệp 4.0 - Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU), cho rằng với phương pháp giảng dạy Project-based learning (học tập theo dự án) và Dự án nghiên cứu, hiện các giảng viên thường hướng dẫn sinh viên làm đề tài ứng dụng AI vào dự án thực tế. Từ thực tế cho thấy AI mang lại kết quả cao hơn hẳn các phương pháp truyền thống khác và tính tự học cao, tự cập nhật thuật toán để cho ra kết quả ngày càng tối ưu hơn. AI là một nền tảng quan trọng của nền Cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, Trung tâm Đổi mới sáng tạo công nghiệp 4.0 của EIU đang nghiên cứu các ứng dụng AI vào các dự án thực tế.
Sử dụng AI có trách nhiệm
Các chuyên gia cho rằng AI sẽ dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong giáo dục. Nếu biết cách sử dụng AI một cách chủ động, có trách nhiệm thì sẽ hạn chế được rủi ro, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, những thách thức của việc ứng dụng AI trong giáo dục cũng không ít, đặc biệt là các khía cạnh đạo đức. Vì vậy, các khuôn khổ pháp lý và đạo đức cần được phát triển để bảo đảm tất cả người học đều có thể hưởng lợi từ AI.
Theo Tiến sĩ Lê Anh Vũ, Chat GPT là công cụ và xu thế không thể khác được trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, giảng viên cần tiếp cận chủ động, hướng dẫn và giúp người học sử dụng một cách thông minh và hiệu quả. Tránh tình trạng bài xích hay “tôn thờ” một cách quá đáng. Hãy biến Chat GPT thành 1 người bạn, người trợ thủ đắc lực, thay vì biến mình thành một “nô lệ” và phụ thuộc vào “ông chủ” Chat GPT. Do đó, người dạy và người học nên chủ động thay vì lệ thuộc; sử dụng một cách có trách nhiệm với mục đích phù hợp và nên xem Chat GPT là tài nguyên tham khảo.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Ngọc Huẩn cho rằng cần hiểu rõ công nghệ, phải chọn công cụ phù hợp, dữ liệu cung cấp phải chính xác, vì khi AI được cung cấp dữ liệu sai thì AI sẽ không hiểu rõ yêu cầu đề bài. Do đó, nên tránh rủi ro về an ninh, bảo mật khi AI bị tấn công.
MINH HIẾU - TRẦN MINH