Dự trữ hàng hóa thiết yếu, bảo đảm bình ổn thị trường

Thứ ba, ngày 20/07/2021

(BDO)

Hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi luôn có nguồn hàng thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường

 Nguồn hàng dồi dào

Ngày 18-7, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã có công văn gửi các DN, đơn vị, sở ngành liên quan về việc triển khai kế hoạch bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường tại các huyện, thị xã, thành phố để ứng phó với dịch bệnh. Công văn yêu cầu các DN bảo đảm dự trữ, cung ứng hàng hóa đủ số lượng, chất lượng theo yêu cầu. Tùy từng cấp độ, các DN phải cung ứng hàng hóa theo sự điều phối của các cơ quan chức năng, tập trung bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ thường xuyên trong các kho của 11 siêu thị tham gia luôn bảo đảm khoảng 685 tỷ đồng. Một số mặt thàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm sẽ được các đơn vị cung cấp ổn định mỗi tháng 2.250 tấn thịt trâu, bò, 7.500 tấn thịt heo, 3.750 tấn thịt gia cầm các loại và 40 triệu trứng gia cầm. Riêng nguồn cung rau, củ, quả để phục vụ bình ổn thị trường đề nghị Sở Công thương, các đơn vị, trung tâm thương mại tiếp tục kết nối cung cầu với các DN trong và ngoài tỉnh.

Đối với mặt hàng xăng dầu, tỉnh giao nhiệm vụ cho 2 DN là Tổng Công ty Thanh Lễ và Công ty Cổ phần Xăng dầu Sông Bé đảm nhận cung ứng đầy đủ cho toàn bộ hệ thống xăng dầu trên địa bàn tỉnh với số lượng dự kiến tăng thêm từ 10 - 12% so với cùng kỳ.

Công văn giao cho Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Công thương làm việc với nhà phân phối, hệ thống siêu thị bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu cho các DN. Hiện nay, siêu thị Mega Market đã cung cấp khoảng 70% DN tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức cung ứng bằng các chuyến hàng lưu động. Các siêu thị bố trí xe, bảo đảm nguồn hàng, tổ chức thu tiền của dân theo đúng hóa đơn, bảng giá quy định. Đề xuất các đơn vị cung ứng như siêu thị Aeon Bình Dương, Co.opMart, Big C, Masan,... triển khai bán hàng bình ổn ưu tiên các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Dầu Tiếng và TX.Bến Cát và các điểm cần tăng cường hàng hóa trong khu vực phong tỏa.

Hàng hóa sạch, giao nhận an toàn

Nhằm bảo đảm hàng hóa đến tay người tiêu dùng phải sạch, an toàn, thuận lợi, BCĐ phòng, chống dịch Coivd-19 tỉnh cũng yêu cầu các trung tâm y tế phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm cho người điều khiển phương tiện, giao nhận hàng hóa; ưu tiên tiêm ngừa vắc xin Coivd-19; cấp phép và tạo điều kiện ưu tiên cho xe bán hàng lưu động và các xe vận chuyển hàng hóa đến điểm bán hàng được đi, về trên địa bàn tỉnh thuận lợi.

Bên cạnh đó, khuyến khích người dân tăng cường mua hàng trực tuyến bằng số điện thoại online hoặc các app của siêu thị trên điện thoại. Riêng đối với các khu vực phong tỏa, BCĐ phòng, chống dịch cấp huyện, xã tùy theo tình hình thực tế tại địa phương chủ động sắp xếp bố trí nhận đơn hàng của người dân theo các hình thức khác nhau như mua hàng online, bố trí lực lượng hỗ trợ ra điểm bưu cục mua và nhận hàng thay thế giúp người dân.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết một ngày trước khi áp dụng giãn cách xã hội, sức mua của người dân trên địa bàn tỉnh tăng khá mạnh. Tuy nhiên, hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn vẫn bảo đảm được nhu cầu. Địa bàn của các huyện phía Bắc còn xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ. Hiện Sở Công thương đang phối hợp với tỉnh Lâm Đồng bổ sung nguồn hàng rau, củ, quả cho Bình Dương. Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng đã cử lực lượng kiểm tra, xử lý đối với trường hợp không niêm yết giá, bán giá cao hơn niêm yết.

MINH DUY