Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Cần đảm bảo tính thống nhất
Các đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác quy hoạch đô thị và nông thôn để phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Các đại biểu cho rằng cần đảm bảo tính thống nhất trong Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Sáng 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Góp ý Dự thảo này, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số nội dung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Cần có quy hoạch chung tại thành phố trực thuộc Trung ương
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn thành phố Hà Nội đồng tình với quan điểm đối với thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh quy hoạch tỉnh, cần phải có quy hoạch chung. Bởi mỗi loại quy hoạch này có chức năng khác nhau nhưng để tránh sự chồng chéo, trùng lặp, trong dự thảo luật này phải phân định rõ ràng; trong đó quy hoạch chung thực hiện chức năng định hướng phát triển cho tất cả các ngành, các lĩnh vực và sau đó còn có quy hoạch chi tiết của từng ngành, từng lĩnh vực...
Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị tại Điều 20 phải cụ thể hóa những nội dung về phát triển các yếu tố hạ tầng, chứ không phải là định hướng. Thậm chí ở những khu vực nào không có quy hoạch phân khu thì phải xác định rõ ranh giới của các yếu tố này để cắm mốc giới. Còn khu vực nào có khu vực phân khu cần phải xác định vị trí, thì quy hoạch phân khu xác định mốc giới.
Ông Cường cũng đề nghị trong kế hoạch thực hiện quy hoạch cần chỉ rõ tiến độ thực hiện các quy hoạch, thực hiện các quy hoạch về hạ tầng trước, sau đó mới quy hoạch đô thị để tránh tình trạng như hiện nay đó là đi xin đất làm hạ tầng trước nhưng quy hoạch không có.
“Quy hoạch thực chất là việc lựa chọn những phương án phân bổ nguồn lực để cho các mục tiêu phát triển. Vậy, làm thế nào để khai thác hiệu quả nhất các nguồn lực, trong đó nguồn lực đất đai là nguồn lực quan trọng nhất. Chúng ta phải quy định trong luật, đó là trong các phương án lựa chọn về phát triển đô thị phải có việc đánh giá về chi phí lợi ích trong việc sử dụng đất, để có cơ sở để thuyết minh,” ông Cường nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ) cho rằng cảnh quan là không gian được xem xét nhiều hướng khác nhau như không gian xung quanh công trình kiến trúc, quảng trường, đường phố, hè, đường đi bộ, công viên, thảm thực vật, vườn cây, vườn hoa, đồi, núi, gò đất, đảo, cù lao, triền đất tự nhiên, đất bãi bồi, dải đất ven bờ sông, dải đất ven bờ biển, mặt hồ, mặt sông, kênh, rạch và không gian sử dụng chung khác.
Yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu thành phố Cần Thơ đề nghị cần làm rõ cụm từ “đô thị lớn” đồng thời xác lập các cấp đô thị, đặc biệt là đô thị lớn và siêu đô thị.
Ông Nghĩa cũng đề nghị làm rõ các khái niệm "khu chuyển đổi chức năng", "khu hạn chế phát triển", "khu phát triển mới", "khu dự trữ phát triển" và hướng dẫn cụ thể về tổ chức thực hiện và biện pháp quản lý.
Bên cạnh đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu với Chính phủ về công tác lập quy hoạch, vì nội dung chính của dự thảo luật này gắn liền với quy hoạch đất đai; bổ sung trách nhiệm của Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Không cần thiết lập quy hoạch chung cấp xã
Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, nhấn mạnh đến việc không cần thiết lập quy hoạch chung cấp xã mà tích hợp trong quy hoạch chung cấp tỉnh.
Góp ý quy định về việc bảo đảm của sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 8, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho biết dự thảo luật đang quy định việc phát sinh mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ cùng cấp có thẩm quyền phê duyệt, cùng cấp độ, khác cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện.
Theo đại biểu, quy định như tại điều này làm thay đổi nguyên tắc trong việc tuân thủ của quy hoạch; quy hoạch cấp cao hơn phải được lập trước làm cơ sở cho quy hoạch cấp thấp hơn. Vấn đề này sẽ làm cho việc tổ chức thực hiện các quy hoạch đô thị nông thôn trong phạm vi địa bàn thành phố, thị trấn, thị xã, huyện, xã mang tính chất rời rạc, không có sự chia sẻ, trao đổi thông tin kịp thời giữa các cấp thẩm định quy hoạch. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Về việc không lập riêng quy hoạch chung xã đối với tất cả các xã mà giao cho ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xã cần phải lập quy hoạch chung tại khoản 2 Điều 25 , đại biểu cho rằng quy hoạch chung huyện có thể tích hợp các nội dung định hướng phát triển xã trong huyện tại Điều 26, 27, 28. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đơn vị hành chính được chia thành bốn cấp; mặt khác đơn vị hành chính cấp huyện được giao phụ trách quản lý đơn vị hành chính cấp xã theo địa bàn, lĩnh vực quản lý nhà nước. Vì vậy, không cần thiết phải lập quy hoạch chung cấp xã mà tích hợp quy hoạch chung cấp xã trong quy hoạch chung cấp tỉnh.
Về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 47), đại biểu cho biết nội dung cơ bản trong dự thảo Luật quy định phân cấp cho cấp thẩm quyền thấp hơn được tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền cao hơn phê duyệt theo trình tự được cấp cao hơn quy định.
Theo đại biểu, nội dung này chưa bảo đảm nguyên tắc tuân thủ trong quản lý hành chính nhà nước “cơ quan nhà nước cấp dưới phải tuân thủ văn bản của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên”. Việc cho phép cấp dưới điều chỉnh cục bộ quy hoạch do cấp trên phê duyệt sẽ dẫn tới việc khó theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện quy hoạch của cấp trên. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh để đảm bảo nguyên tắc trên.
Về nguồn lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho rằng việc triển khai thực hiện quá nhiều quy hoạch trên 01 địa bàn hành chính (quy hoạch xã, quy hoạch huyện trên địa bàn hành chính 01 tỉnh) sẽ làm tăng các khoản mục chi trong cơ cấu chi ngân sách Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Điều này có thể gây lãng phí nguồn lực ngân sách, chưa đảm bảo mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó có nội dung “từng bước cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước theo hướng tăng hợp lý tỉ trọng chi đầu tư, giảm dần tỉ trọng trong chi thường xuyên.”
Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng quy hoạch đô thị và nông thôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều loại quy hoạch khác, gắn với các dự án đầu tư cụ thể, nên dự án luật này liên quan đến nhiều pháp luật chuyên ngành khác nhau. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của các dự thảo luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo.
Đối với khái niệm đô thị và nông thôn, đại biểu cho rằng khoản 1 và khoản 3 Điều 2 giải thích hai khái niệm này dựa trên mật độ dân số, lĩnh vực kinh tế là nông nghiệp hay phi nông nghiệp, tính chất trung tâm, vai trò thúc đẩy… Theo đại biểu, việc giải thích khái niệm như trên sẽ gây vướng mắc. Trong thực tế, ở nước ta, thành phố có nội thành, ngoại thành; thị xã có nội thị, ngoại thị; nông thôn cấp huyện cũng có đô thị; nhiều vùng nông thôn có mật độ dân số cao, tỷ lệ làm nông nghiệp cũng đã giảm dần, ở nhiều vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng cũng như khả năng phát triển kinh tế rất tốt. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải thích khái niệm đô thị, nông thôn để nhận diện rõ nét, tường minh hơn.
Về trách nhiệm, tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Lý Tiết Hạnh nhấn mạnh tới khoản 6 Điều 16 dự thảo Luật quy định: Cơ quan tổ chức có chức năng quản lý đầu tư xây dựng đất đai tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện giao.
Đại biểu cho rằng cần có quy định nguyên tắc thống nhất về cơ quan chủ trì trong công tác tổ chức, lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, uỷ ban nhân dân cấp huyện giao. Theo đại biểu, cần nghiên cứu kỹ để có sự thống nhất trên toàn hệ thống, tránh chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc mỗi địa phương lại có cách giao nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến không thống nhất, khó khăn trong triển khai thực hiện./.
Theo TTXVN