Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia: Đừng 'nhân danh' phát triển kinh tế, giải quyết việc làm
(BDO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 16/11, các đại biểu Quốc hội làm việc ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Hoa phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Các đại biểu nhất trí rất cao về sự cần thiết ban hành Luật và nhấn mạnh dự thảo Luật đã thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế trong quá trình soạn thảo và phản biện sâu sắc của Bộ trong việc bảo vệ quan điểm nhằm mục đích duy nhất là chăm lo sức khỏe cho cộng đồng. Đại biểu nhấn mạnh, phòng chống tác hại rượu, bia phải thực hiện một cách triệt để mà không nên ngụy biện bằng người uống có trách nhiệm hoặc bất kỳ một lý do nào khác.
Theo đại biểu, để nhích lên từng chút một trong tăng trưởng thì cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, mỗi năm bia rượu làm tổn thất ít nhất 1 - 3% GDP (theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới).
"Như vậy, dù ngành công nghiệp rượu bia đã cố gắng biện minh cho phát triển kinh tế, giải quyết việc làm thì cũng khó chấp nhận, chưa kể những hậu quả nặng nề cho xã hội, không gì bù đắp được. Không ít ý kiến cho rằng, tác hại của rượu, bia do chính người dùng lạm dụng, còn ngành rượu, bia như thể vô can. Việc cung cấp cho thị trường thức uống gây nhiều bệnh tật, lắm tác hại lại được dùng nhiều lý lẽ và mỹ từ để bảo vệ thì đó là trách nhiệm hay vô can? Có vô can không khi bia, rượu là vòng tròn luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật, bạo lực, bạo hành", đại biểu nêu hàng loạt vấn đề.
Về ý kiến cho rằng thông qua Luật này là khai tử ngành rượu, bia, đại biểu Phạm Trọng Nhân lưu ý, phải đặt mình vào hoàn cảnh gia đình có người thân nghiện rượu, nợ nần chồng chất, bạo lực, bạo hành… "Chúng ta chọn bảo vệ sức khỏe cho nhân dân hay chọn khoản thu 50.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng đừng quên rằng tổn thất do nó gây ra lên tới 65.000 tỷ đồng. Như thế có khác gì kéo lùi sự phát triển của đất nước”, đại biểu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) chia sẻ với ban soạn thảo về sự khó khăn trong quá trình xây dựng dự án Luật. “Làm sao để xây dựng các chính sách vừa đảm bảo sức khỏe của người dân vừa hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia là bài toán khó”, đại biểu chỉ rõ.
Đại biểu Lê Thị Yến thừa nhận, thói quen sử dụng rượu bia đã tồn tại lâu đời ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Ngành công nghiệp rượu bia hàng năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 50.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 220.000 lao động cả trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia gây ra đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội đang ngày càng gia tăng, là thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết.
Tên gọi phải dễ nhớ, dễ hiểu để người dân tiếp cận
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Trần Quang Chiểu phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Về tên gọi của dự án Luật, đa số ý kiến nhất trí với tên gọi “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” vì tên gọi này ngắn gọn, bao quát, dễ hiểu, dễ nhớ, thuận lợi cho việc tuyên truyền, tiếp cận pháp luật của nhân dân; thể hiện rõ mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, phù hợp với quan điểm về y học dự phòng là cần chủ động phòng ngừa từ sớm, chứ không chỉ ứng phó khi đã lạm dụng và xảy ra hậu quả tiêu cực. Bên cạnh đó, tên gọi này không chỉ bao hàm phạm vi điều chỉnh đối với hành vi của người sử dụng rượu, bia, mà còn xác định trách nhiệm của các chủ thể khác (Nhà nước, cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân). Đây cũng là tên gọi đã được xác định trong Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.
Trong khi đó, một số ý kiến đề nghị lấy tên gọi là “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia” hoặc “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn” để hướng trọng tâm vào hành vi của người sử dụng rượu, bia; có ý kiến khác đề nghị lấy tên là “Luật Phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn” để có tính bao quát, dễ áp dụng và hạn chế việc lợi dụng luật.
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng, nếu tên gọi là "Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia" chẳng khác nào khẳng định rượu, bia hoàn toàn có hại, từ đó gây ra hiểu lầm không đáng có. Trên thực tế, tác hại là do sử dụng quá liều lượng và sử dụng những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Dẫn chứng về những trường hợp sử dụng rượu, bia trong các ngày giỗ tết với tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên, truyền thống nghìn đời của dân tộc Việt Nam với bát cơm, chén rượu; truyền thống hiếu khách khi khách đến nhà có chén rượu mời…, đại biểu chỉ rõ: Mục đích của Luật là bảo vệ sức khỏe của nhân dân, vì thế đối tượng chịu sự tác động chính là người sản xuất phải đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng phải có ý thức. Nếu có ý thức, người tiêu dùng sẽ quyết định nên uống thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến cộng đồng. “Tên gọi cần hướng đến hành vi của người sản xuất và người sử dụng vì bản thân sản phẩm không có hại”, đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hiện nay trên thế giới và ngay tại thị trường trong nước có những sản phẩm có cồn, có nồng độ tương đương với bia, nhưng không đăng ký là bia. Nếu luật chỉ điều chỉnh với rượu, bia thì chưa bao quát hết thực tiễn diễn ra và mục đích của Luật khi ban hành. Đại biểu đề nghị tên Luật là “Luật Kiểm soát đồ uống có cồn” hoặc “Luật Phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn”.
Tranh luận với đại biểu Trần Quang Chiểu, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nêu rõ: Dự án Luật không phải cấm rượu bia, mà là phòng, chống tác hại rượu bia, tức là chỉ phòng những cái có hại… Về từ “lạm dụng”, đại biểu Tuấn phân tích: Lạm dụng rượu chia làm 3 loại: Thứ nhất, uống mà có hại sức khỏe; thứ hai, uống quá độ; thứ ba, nghiện rượu. “Như vậy, ngay mức độ đầu tiên uống rượu đã nguy hại sức khỏe, nếu uống thường xuyên gây nguy cơ tai hại đến mặt thể chất và xã hội. Nếu chờ đến uống thường xuyên mới phòng thì không ổn”, đại biểu Tuấn nêu quan điểm.
Đồng tình với tên gọi theo Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) lý giải tại sao không gọi là "Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia". Theo Tổ chức Y tế thế giới và hầu hết các nghiên cứu đã khẳng định, không có một ngưỡng an toàn nào cho sức khỏe khi sử dụng rượu, bia bởi rượu, bia khi vào cơ thể đều gây ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết – bộ phận quan trọng của con người; mỗi người tùy theo giới tính, độ tuổi, đặc điểm sinh học cá nhân và tùy mức uống, cách uống mà gây ra tác hại với từng người là khác nhau. Ngoài ra, rượu bia chứa cồn là chất gây nghiện, được xếp vào nhóm chất gây ung thư nên khi sử dụng, mức uống sẽ tăng dần, theo thời gian dễ bị lệ thuộc và trở thành con nghiện lúc nào không biết. “Với quan điểm, phòng bệnh hơn chữa bệnh nên việc phòng chống tác hại rượu, bia phải được tiến hành chủ động từ sớm bằng các biện pháp phòng ngừa chứ không chỉ ứng phó khi các hậu quả tiêu cực đã xảy ra; khi đó, chi phí khắc phục hậu quả rất tốn kém”, đại biểu Lê Thị Yến nhấn mạnh.
Đại biểu cũng không đồng tình gọi là đồ uống có cồn vì hiện nay tại Việt Nam, rượu, bia chiếm 99,7% thị phần, 0,3% còn lại là đồ uống khác có chứa cồn và nước giải khát pha chế thêm rượu bia. “Rượu bia là cái tên mà bà con đã quen gọi, quen nghe, quen dùng và khi Luật có điều kiện thi hành sẽ dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, thuận lợi cho việc tuyên truyền”, đại biểu phân tích.
Tại phiên thảo luận, các vấn đề về kiểm soát việc quảng cáo rượu, bia; việc quản lý rượu thủ công; kinh phí phục vụ hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia… cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể.
Theo TTXVN