Dự thảo kế hoạch sử dụng đất năm 2015: Tăng cơ cấu sử dụng đất phi nông nghiệp

Thứ tư, ngày 19/11/2014

(BDO) Đây là một điểm nhấn cơ bản trong Dự thảo kế hoạch sử dụng đất năm 2015, sẽ được UBND tỉnh trình kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa VIII sắp tới. Theo UBND tỉnh, dự thảo kế hoạch này nhằm phân bổ lại quỹ đất cho phù hợp với định hướng phát triển lâu dài, đồng thời đáp ứng nhu cầu, chỉ tiêu sử dụng đất cụ thể năm 2015 và tầm nhìn trong những năm tiếp theo; từng bước ổn định tình hình quản lý và sử dụng đất, thúc đẩy đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển đô thị.

Chuyển dịch phù hợp

Ông Bùi Văn Hai, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp được tỉnh phê duyệt đến năm 2014 với diện tích là 200.360,09 ha. Qua 4 năm (2011-2014), tỉnh thực hiện được 6.688,36 ha; ước tính đến năm 2015 thực hiện được 57,99% so với kế hoạch năm 2015. Theo ông Hai, đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp có sự chuyển dịch phù hợp với định hướng phát triển đô thị và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tỉnh đã phê duyệt. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện ước tính đến năm 2015 so với kế hoạch năm 2015 còn thấp, trong đó diện tích chưa thực hiện là 4.953,88 ha, tương ứng 42,01% trong kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu. Chỉ tiêu các loại đất thuộc nhóm chỉ tiêu cứng do Chính phủ phân bổ như đất rừng phòng hộ, đất trồng lúa đã được thực hiện phù hợp theo kế hoạch phê duyệt. Các nhóm đất khác như đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm, đất rừng sản xuất có sự chuyển dịch cơ cấu sử dụng đạt tỷ lệ cao (khoảng 70%) so với kế hoạch được phê duyệt. Riêng đất nông nghiệp khác thực hiện chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch, cụ thể là mới đạt 25,22% so với kế hoạch.

Thời gian tới, Bình Dương sẽ ưu tiên quỹ đất cho phát triển hạ tầng. Trong ảnh: Công trình trường Cao đẳng Y tế Bình Dương đang được đầu tư xây dựng.

Ảnh: P.AN

Ông Hai cho biết thêm, kế hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp được phê duyệt đến năm 2014 với diện tích là 69.072,69 ha, qua 4 năm (2011-2014) thực hiện được 6.722,35 ha; ước tính đến năm 2015 tỷ lệ thực hiện đạt 57,79% so với kế hoạch đến năm 2015. Như vậy, sự chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất phi nông nghiệp theo đúng định hướng phát triển đô thị và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã phê duyệt. Tuy vậy, tỷ lệ thực hiện ước tính đến năm 2015 so với kế hoạch đến năm 2015 còn thấp; trong đó diện tích chưa thực hiện là 4.990,86 ha, tương ứng 42,21% kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu.

Nhìn chung, việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất từ năm 2011-2014 đã đạt nhiều kết quả tốt. Công tác quản lý nhà nước về đất đai thông qua công cụ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần tích cực vào việc phân bổ và sử dụng tài nguyên đất đai ngày càng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, đã hạn chế rõ rệt việc tùy tiện chuyển nhượng đất nông nghiệp, tách thửa, phân lô; đồng thời là cơ sở trong việc định hướng phát triển đô thị, hạn chế tính trạng ô nhiễm môi trường. Thông qua việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bước đầu đã kiểm soát được việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, cơ bản đáp ứng nhu cầu đất đai cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đã đi vào nề nếp, thực hiện đúng quy định của pháp luật về đất đai trên cơ sở quy hoạch định hướng, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Đất nông nghiệp tiếp tục giảm

Căn cứ theo chỉ tiêu chưa thực hiện hết của giai đoạn 2011-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhu cầu sử dụng đất của địa phương và định hướng đã xác định trong quy hoạch sử dụng đất đến măm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, khả năng thực hiện thực tế của Bình Dương cũng như để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường dự kiến năm 2015, đất nông nghiệp tiếp tục giảm khoảng 6.839,57 ha.

Như vậy, dự kiến đất trồng lúa trong năm 2015 tiếp tục giảm khoảng 422,54 ha đất lúa sản xuất không hiệu quả ngoài vùng quy hoạch sang các hình thức sử đụng đất khác; đất trồng cây lâu năm tiếp tục giảm 6.080,15 ha sang đất phi nông nghiệp, đạt 52,15% diện tích được phê duyệt đến năm 2015; đất rừng phòng hộ chỉ tiêu phê duyệt đến năm 2015 còn 403,85 ha chưa thực hiện…

Tuy nhiên, với việc điều chỉnh đất nông nghiệp giảm nhanh đến năm 2020 sẽ tạo ra sức ép cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Do vậy, để giải tỏa sức ép này trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp Bình Dương cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch để có thể gia tăng khối lượng nông sản trong sản xuất, bảo đảm phát triển bền vững; đồng thời nghiêm cấm việc chuyển đổi đất trồng lúa sang các mục đích khác ngoài quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Tăng quỹ đất phát triển hạ tầng và nhà ở

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, dự kiến năm 2015 đất phi nông nghiệp tiếp tục tăng khoảng 6.832,74 ha để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Bên cạnh đó, đến năm 2020 Bình Dương là tỉnh thuộc đô thị loại I, do đó thực hiện phát triển cơ sở hạ tầng là một trong các giải pháp lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư của địa phương. Để phát triển hạ tầng, tỉnh sẽ phải tập trung quỹ đất và vốn đầu tư để xây dựng.

Với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, người dân nhập cư vào tỉnh ngày càng nhiều đã tạo ra những áp lực rất lớn đối với lĩnh vực y tế và giáo dục, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện, trường học và nhu cầu về nơi ở. Do đó, nhu cầu sử dụng đất cho lĩnh vực y tế, giáo dục và nhà ở được mở rộng. Dự kiến đến năm 2015 nhu cầu đất ở khoảng 18.587,76 ha, tăng 2.504,04 ha so với hiện nay để đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân và thực hiện một số dự án nhà ở xã hội, tái định cư... Trong năm 2015, dự kiến nhu cầu đất cho phát triển hạ tầng của tỉnh là 18.564,61 ha, tăng 1.696,54 ha so với hiện nay…

PHƯƠNG LÊ