Dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung: Chị em cần quan tâm để bảo vệ sức khỏe chính mình

Thứ bảy, ngày 29/09/2018

(BDO) Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là căn bệnh rất được quan tâm hiện nay. UTCTC là bệnh đứng hàng thứ hai ở phụ nữ, hàng năm trên thế giới có khoảng gần 500.000 phụ nữ mắc phải, trong đó hơn một nửa bị tử vong. Ở Việt Nam, UTCTC cũng là bệnh phổ biến và gây tử vong nhiều nhất ở phụ nữ. Do đó, việc dự phòng và kiểm soát UTCTC có ý nghĩa rất cần thiết và đang được ngành y tế Bình Dương triển khai thực hiện.

Khám phụ khoa định kỳ giúp chị em phụ nữ phát hiện và điều trị kịp thời UTCTC. Trong ảnh: Nữ lao động đang được cán bộ Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tư vấn về lợi ích của việc khám phụ khoa, sức khỏe sinh sản

Triển khai thực hiện

Thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát UTCTC giai đoạn 2016-2025, từ cuối năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc dự phòng và kiểm soát UTCTC giai đoạn 2016-2025. Từ đó, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi về dự phòng, kiểm soát UTCTC cho nữ cán bộ, công chức, viên chức và học sinh trong các trường THCS và THPT trên địa bàn toàn tỉnh. Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tỉnh cũng đã có kế hoạch hành động triển khai thực hiện công tác dự phòng và kiểm soát UTCTC trên địa bàn tỉnh năm 2018. Để kế hoạch được triển khai thuận lợi, Trung tâm CSSKSS tỉnh còn xây dựng kế hoạch phối hợp với các Liên đoàn Lao động và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong công tác truyền thông về dự phòng và kiểm soát UTCTC.  Theo kế hoạch đề ra, 100% Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố có kế hoạch dự phòng và kiểm soát UTCTC, trong đó tổ chức khám sàng lọc UTCTC 2 lần/năm; 100% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn triển khai quan sát cổ tử cung với acid acetic; 100% trường hợp tiền ung thư và UTCTC chuyển tuyến kịp thời để được điều trị trong thời gian sớm nhất… Đến nay, Trung tâm CSSKSS tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả ban đầu. Hóa chất quan sát UTCTC đã được cung cấp cho 91 trạm y tế để thực hiện. Công tác truyền thông cũng được chú trọng thông qua các hình thức: Cung cấp đĩa VCD tuyên truyền về UTCTC cho 91 trạm y tế và các bệnh viện đa khoa, phòng khám đa khoa ngoài công lập; tổ chức truyền thông trực tiếp cho 46 người thuộc Câu lạc bộ Nữ quản lý tại huyện Phú Giáo; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức khám phụ khoa và tuyên truyền về dự phòng và kiểm soát UTCTC cho trên 400 người trên địa bàn TX.Thuận An, huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng…

Cần được phát hiện điều trị sớm

Việc triển khai kế hoạch dự phòng và kiểm soát UTCTC có ý nghĩa rất quan trọng đối với chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh. UTCTC là một trong những bệnh ung thư phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 35 trở lên. Trên thế giới, cứ 2 phút lại có một phụ nữ chết do UTCTC. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh UTCTC và 11 trường hợp tử vong. Theo bác sĩ Dương Thanh Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh, nhiễm vi rút Human papillomavirus (HPV) được xác định là nguyên nhân gây UTCTC. Một số yếu tố được xem là tăng nguy cơ nhiễm HPV và phát triển UTCTC như phụ nữ có quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi) hoặc quan hệ với nhiều người; sinh đẻ nhiều (từ trên 4 lần); hút thuốc lá; tình trạng suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là viêm sinh dục do nhiễm Trichomonas, Chlamydia trachomatis, Herpes simplex virus type 2 (HSV2)… HPV là vi rút sinh u nhú ở người, gây bệnh ở biểu mô da và niêm mạc. Hiện đã biết hơn 100 tuýp HPV, trong đó có khoảng 30 tuýp gây bệnh ở vùng hậu môn - sinh dục và ít nhất có 14 tuýp HPV gây ra ung thư, nhiều nhất là tuýp 16 và 18. HPV gây ra nhiều loại ung thư như: UTCTC, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư khẩu hầu, ung thư dương vật và mụn cóc sinh dục hay gọi là sùi mào gà. 97% các trường hợp UTCTC ghi nhận có nhiễm HPV. Vì vậy việc dự phòng UTCTC tốt nhất là phòng ngừa HPV qua chủng ngừa vắc-xin. Năm 2017, đã có 61 quốc gia trên thế giới đưa việc tiêm phòng HPV vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Bác sĩ Thanh Hiền cho biết thêm, UTCTC không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua các giai đoạn từ lúc nhiễm HPV, gây nên những biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài trung bình từ 10 - 15 năm. Đặc biệt giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì, do đó chị em không thể nhận biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa. Khi đã ở những giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể có những biểu hiện như ra huyết trắng có mùi hôi, có lẫn máu, chảy máu âm đạo sau giao hợp hoặc sau khi làm việc nặng dù không đang ở chu kỳ kinh nguyệt. Nặng hơn có thể chảy dịch có lẫn máu ở âm đạo, kèm theo đau bụng, đau lưng, vùng chậu và chân. “Nếu chị em thấy mình có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên thì hãy đến gặp bác sĩ ngay. Không nên coi thường và bỏ qua những triệu chứng này. Khi các triệu chứng bị bỏ qua thì ung thư sẽ có thời gian để tiến triển đến những giai đoạn muộn hơn và việc điều trị sẽ càng khó khăn”.

HỒNG THUẬN