Dự luật châm ngòi tuần sóng gió ở Gruzia

Thứ hai, ngày 13/03/2023

(BDO) Dự luật kiểm soát NGO bị cáo buộc "thân Moskva", châm ngòi làn sóng biểu tình bạo lực tại Gruzia, cho thấy nước này luôn bị giằng xé giữa "hướng EU" và "hướng Nga".

Đảng Quyền lực Nhân dân, một đảng nhỏ tại Gruzia có thiên hướng bài xích phương Tây, hồi đầu tháng trình lên quốc hội dự luật nhằm tăng cường kiểm soát các tổ chức phi chính phủ (NGO) và truyền thông nhận tài trợ từ nước ngoài.

Theo dự luật được đảng Giấc mơ Gruzia (GD) cầm quyền ủng hộ, các NGO hay tổ chức truyền thông nhận hơn 20% tài trợ từ nước ngoài phải được xếp vào diện "đặc vụ nước ngoài". Tổ chức nào không minh bạch hóa nguồn tài trợ có nguy cơ chịu phạt hành chính. "Đặc vụ nước ngoài" là khái niệm để chỉ các cá nhân hoặc tổ chức tích cực thúc đẩy lợi ích của một quốc gia nước ngoài trong khi hoạt động ở nước sở tại.

Trong khi Chủ tịch đảng GD cầm quyền Irakli Kobakhidze cho rằng dự luật chỉ nhằm đảm bảo minh bạch nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, phe đối lập cáo buộc đảng này chịu ảnh hưởng từ Nga, xây dựng luật mới nhằm kiểm soát ảnh hưởng của phương Tây.

Họ chỉ trích dự luật này là "luật Nga", khi cho rằng các điều khoản của nó giống hệt đạo luật kiểm soát các tổ chức phi chính phủ được Nga ban hành năm 2012. Phe đối lập lo ngại dự luật là động thái nhằm cản đường Gruzia gia nhập Liên minh châu Âu (EU), đồng thời gia tăng ảnh hưởng của Nga.

Cảnh sát Gruzia dùng vòi rồng đẩy lùi người biểu tình tại thủ đô Tbilisi đêm 8/3.

Gruzia nộp đơn xin vào EU năm 2022 nhưng vẫn chưa được trao tư cách ứng viên như Ukraine. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU, đã cảnh báo dự luật đi ngược lại những nguyên tắc và giá trị chung của khối.

Dự luật đã châm ngòi cho phong trào phản đối ở thủ đô Tbilisi trong tuần này, với nhiều vụ đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát. Hàng chục nghìn người liên tục xuống đường, tạo thành làn sóng biểu tình nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua ở Gruzia, nơi nhiều người dân vẫn chưa quên cuộc chiến với Nga năm 2008.

Trong cuộc chiến 12 ngày đó, Nga đã đưa quân vào Gruzia để bảo vệ hai vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossestia và Bắc Abkhazia. Hai vùng lãnh thổ này đến nay vẫn do quân đội Nga bảo hộ an ninh. Lãnh đạo hai vùng này năm ngoái đã lên kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga, nhưng phải gác lại do chưa được Moskva ủng hộ.

Cảnh sát thủ đô Tbilisi đã bắt 133 người trong hai cuộc biểu tình ngày 7 và 8/3, theo thông báo từ Bộ Nội vụ Gruzia. Người biểu tình đã ném đá và bom xăng vào lực lượng an ninh, trong khi cảnh sát chống bạo động phải dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông trước tòa nhà quốc hội. Các vụ đụng độ khiến hàng chục người bị thương, trong đó có cả cảnh sát và người biểu tình.

Biểu tình bạo lực leo thang buộc GD ngày 9/3 tuyên bố rút ủng hộ "vô điều kiện" với dự luật nhằm "giảm không khí đối đầu trong xã hội", đồng thời cáo buộc phe đối lập lan truyền thông tin "cực đoan". Một ngày sau, quốc hội Gruzia bỏ phiếu bác dự luật.

Theo giới chuyên gia, biểu tình tại Gruzia leo thang nghiêm trọng vì bất đồng giữa mong muốn "hướng EU" mạnh mẽ trong xã hội nước này và yếu tố "hướng Nga" trong giới cầm quyền.

Phần lớn hoài nghi của người biểu tình Gruzia đối với đảng GD cầm quyền xoay quanh vai trò của tỷ phú Bidzina Ivanishvili, người sáng lập đảng và có quan hệ làm ăn chủ yếu tại Nga. Ivanishvili từng được bầu làm thủ tướng Gruzia vào năm 2012 nhưng hiện không còn nắm vai trò chính thức nào trong chính phủ hay đảng cầm quyền.

Phe đối lập và giới chức phương Tây nhiều lần cáo buộc tỷ phú Ivanishvili vẫn âm thầm chi phối chính trường cùng những cơ quan trọng yếu trong mảng tư pháp và an ninh của Gruzia. Năm 2020, một nhóm nghị sĩ Mỹ còn nhận định Ivanishvili là đồng minh của Moskva, giúp Nga tạo ảnh hưởng tại Gruzia.

Trước khi tìm cách đưa dự luật kiểm soát NGO ra quốc hội, đảng GD cầm quyền đã khiến dư luận Gruzia hoài nghi về lập trường gia nhập EU, khi chính phủ do đảng này kiểm soát kiện Tổng thống theo đường lối trung lập Salome Zourabishvili ra Tòa án Hiến pháp hồi giữa năm 2022.

Chính phủ Gruzia khi đó cho rằng bà Zourabishvili đã hành động vượt quyền khi đến thăm một số nước châu Âu để vận động EU cấp tư cách ứng viên cho nước mình.

Theo khảo sát năm 2022 của Viện Dân chủ Quốc tế (NDI) tại Mỹ, 75% người Gruzia ủng hộ gia nhập EU, 69% muốn nước này nộp đơn xin vào NATO. Xu hướng ngả về phương Tây ở Gruzia được thúc đẩy khi tổng thống Mikheil Saakashvili nắm quyền trong giai đoạn 2004-2013.

Năm 2009, một năm sau chiến sự Nga - Gruzia, nước này ký thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Chính quyền thủ đô Tbilisi thậm chí đặt tên cho con đường từ sân bay dẫn vào thành phố là George W. Bush.

Gruzia cũng thiết lập quan hệ hợp tác với EU năm 2014 và sau đó là thỏa thuận thương mại tự do. Quốc hội Gruzia năm 2018 đã thêm phụ lục thể hiện mục tiêu "hội nhập toàn diện" vào EU và NATO trong hiến pháp.

Phe đối lập lo ngại dự luật là bước đầu tiên để đảng GD cầm quyền từng bước gạt bỏ quan điểm thân phương Tây khỏi nền chính trị nước này. Họ chỉ trích khái niệm "đặc vụ nước ngoài" có thể dẫn đến ấn tượng tiêu cực rằng các tổ chức dân sự là bình phong cho hoạt động gián điệp hoặc phục vụ lợi ích của nước khác, dù nguồn tài trợ có thể đến từ các tổ chức liên quốc gia.

Hungary từng phải bãi bỏ một đạo luật tương tự vào năm 2021, sau khi Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) kết luận luật mang tính phân biệt đối xử và áp đặt nhiều hạn chế không công bằng lên các tổ chức phi lợi nhuận.

"Chúng tôi cho rằng chính phủ cuối cùng vẫn muốn thông qua dự luật kiểm soát các NGO. Họ chỉ đang thăm dò phản ứng của xã hội", Nino Dolidze, giám đốc một tổ chức giám sát bầu cử tại Gruzia, nói.

Gigi Ugulava, thành viên lãnh đạo đảng châu Âu Gruzia thuộc phe đối lập, cho rằng việc đảng GD rút ủng hộ với dự luật "chỉ là chiến thắng bước đầu". Những người phản đối dự luật lo ngại đây mới là khởi đầu cho nhiều bước đi khác có thiên hướng "thân Nga" từ đảng cầm quyền.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 9/3 khẳng định Nga không có mối liên hệ nào đối với dự luật gây sóng gió chính trường Gruzia. "Điện Kremlin không thúc đẩy hay can dự dưới bất kỳ hình thức nào trong sự vụ tại Gruzia", ông Peskov nhấn mạnh.

Ông cho biết Nga quan ngại về tình hình tại nước láng giềng dù hai bên không còn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức từ sau xung đột năm 2008. Moskva hy vọng hai nước giữ ổn định ở khu vực biên giới và không mong muốn chứng kiến tình hình xấu đi tại Gruzia.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng dự luật kiểm soát NGO đang "được dùng làm cái cớ để bắt đầu nỗ lực nhằm thay đổi chính phủ Gruzia bằng vũ lực". Theo ông, các cuộc biểu tình tại Gruzia "được dàn dựng từ nước ngoài với mục đích gây căng thẳng ở biên giới Nga" và phe đối lập ở Gruzia "được phép làm bất cứ điều gì họ muốn vì lợi ích của phương Tây".

Chính phủ Gruzia và đảng cầm quyền những ngày qua liên tục chỉ trích phe đối lập lợi dụng tình hình để lan truyền "thông tin cực đoan". Họ cam kết sau khi rút dự luật sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc tiếp xúc cử tri để giải thích rõ hơn lập trường của đảng về tương lai hội nhập châu Âu.

Chủ tịch đảng GD Irakli Kobakhidze tuần này thông báo đã gửi bản thảo dự luật đến Ủy ban Venice, cơ quan tham vấn pháp lý thuộc Hội đồng châu Âu, để xin góp ý xây dựng.

"Chúng tôi nhận thấy có chiến dịch bịa đặt rằng đây là dự luật của Nga. Hoàn toàn dối trá. Họ còn nói dự luật này sẽ kéo đất nước ngày càng xa tấm vé ứng viên EU. Đó cũng là tuyên bố giả dối", Kobakhidze nói.

Theo VNE