Dư luận thở phào khi "quả bom" Syria được tháo ngòi nổ
Ngoại trưởng Nga, Mỹ và Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria gặp nhau tại Geneva
Sau 3 ngày đàm phán (từ 13-15/9) tại Geneva (Thụy Sĩ), Nga, Mỹ và Liên Hợp Quốc đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc giải quyết cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua tại Syria mà không cần đến một cuộc tấn công quân sự.
Tại cuộc đàm phán này, Ngoại trưởng Nga, Mỹ và Đặc phái viên chung về Syria của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi đã có các cuộc thảo luận về kế hoạch tiêu hủy các kho vũ khí hóa học ở Syria và việc tổ chức một hội nghị hòa bình.
Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh hiện nay, hội nghị Geneva 2 là sự lựa chọn sáng suốt cho cả các bên xung đột ở Syria và các nước lớn cần phải đặc biệt quan tâm để tránh lặp lại những sai lầm của quá khứ như chiến tranh Iraq, Kosovo…
Mấu chốt để tháo ngòi nổ cho cuộc tấn công quân sự vào Syria chính là đề xuất đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế.
Một bước tiến quan trọng nữa trong quá trình tìm giải pháp cho Syria đó là việc Tổng thống al-Assad đã ký sắc lệnh tuyên bố Syria tham gia Công ước cấm vũ khí hóa học. Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc ngày 14/9 thông báo Syria đã đáp ứng các quy định bắt buộc để gia nhập Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) và sẽ trở thành thành viên tổ chức này từ ngày 14/10 tới.
Theo kết quả đạt được sau đàm phán Nga, Mỹ, trong vòng một tuần, Syria phải đưa ra danh sách các kho dự trữ vũ khí hóa học và các thanh sát viên quốc tế sẽ có mặt tại Syria vào tháng 11 tới. Danh sách này sẽ phải nêu cụ thể tên, loại và chất lượng các vũ khí hóa học, địa điểm và hình thức lưu giữ, các cơ sở sản xuất, nghiên cứu và phát triển.
Tháo được ngòi nổ cho cuộc tấn công Syria có thể xem là thắng lợi của Tổng thống Nga Putin nói riêng và nước Nga nói chung. Đề xuất của Nga về Syria đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế và cũng là một giải pháp được xem là giúp Tổng thống Mỹ Obama "giữ thể diện" khi ông Obama không nhận được nhiều sự đồng tình của người dân Mỹ cũng như các đồng minh truyền thống.
Đây cũng được coi là một thắng lợi ngoại giao của Nga khi Mỹ đã từ bỏ lập trường cho rằng nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Syria phải được hậu thuẫn bằng giải pháp quân sự. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc Washington có sử dụng quân sự hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách thức Syria thực hiện việc giải giáp vũ khí hóa học trong thời gian tới.
Theo VOV