Dư luận quốc tế tiếp mạch vấn đề “Xây dựng lòng tin chiến lược”
Tiếp sau loạt bài ngày 31-5 về “Xây dựng lòng tin chiến lược” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, báo chí quốc tế tiếp tục có thêm những bài viết xung quanh nội dung bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Shangri-La 2013.
>> Dư luận quốc tế hưởng ứng về bài phát biểu của Thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La và trả lời câu hỏi của các đại biểu.
Trong bài viết đăng ngày 1/6, tờ Jakarta Post của Indonesia nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải xây dựng và tăng cường lòng tin chiến lược vì hòa bình, thịnh vượng và hợp tác.
Bài báo đề cập việc Thủ tướng Nguyễn Tận Dũng kêu gọi cả Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng hợp tác với các nước ASEAN để kiến tạo một cấu trúc khu vực hòa bình, trong đó “lòng tin” là nhân tố chủ chốt. Là cường quốc, Trung Quốc và Hoa Kỳ phải có trách nhiệm đóng góp vào hòa bình của khu vực và trên thế giới.
“Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột”, Jakarta Post trích nguyên văn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu.
Tờ Tin nhanh của Ấn Độ (The IndianExpress) ngày 1/6 cũng đề cập về tầm quan trọng của Hoa Kỳ - một cường quốc Thái Bình Dương - đối với an ninh khu vực.
Bài báo dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề này: “Tôi tin rằng các nước trong khu vực đều không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển”.
Ở khía cạnh khác, hãng tin Pháp AFP chọn thông báo chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc Việt Nam sẽ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong nội dung chính bài viết của mình.
Bài báo nhấn mạnh nội dung Việt Nam chọn tham gia “các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự”.
Trong diễn biến liên quan trước đó, hồi tháng 2 năm nay, Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Edmond Mulet đã thăm Việt Nam với nhiệm vụ hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình cảu Liên Hợp Quốc, bắt đầu từ năm 2014.
Thông báo trên website của Liên Hợp Quốc cho hay, tính đến tháng 3/2013, có tất cả 15 hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới với sự tham gia của 116 quốc gia.
Bài của AFP sau đó được một số hãng tin châu Á như Channelnewsasia và Bangkok Post đăng lại.
Ngày 31/5, hãng tin Kyodo của Nhật Bản nói việc Việt Nam sẽ cử các nhân viên quân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La.
Kyodo cũng đã đề cập đến chính sách quốc phòng của Việt Nam là “hòa bình và tự vệ”, đồng thời nhấn mạnh nội dung: Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác.
Việt Nam mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một khi nguyên tắc độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi được cam kết và nghiêm túc thực hiện.
Theo Chinhphu.vn