Dư luận đồng tình việc tăng mức phạt để răn đe

Thứ hai, ngày 21/09/2015

Nếu không có gì thay đổi, Nghị định sửa đổi Nghị định 171 và 107 về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ sẽ được trình Chính phủ vào tháng 10 và có hiệu lực thi hành từ tháng 12 tới. Theo đó, mức phạt được Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất tăng cao và có tính răn đe.

Cụ thể, với lái xe ô tô vi phạm về nồng độ cồn, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất phạt tiền 2 - 3 triệu đồng khi vi phạm dưới 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/lít khí thở.

Phạt từ 8 đến 12 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/lít khí thở, bị tước giấy phép lái xe từ 4 đến 6 tháng. Mức phạt cao nhất với người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở sẽ phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng thay vì mức 10 - 15 triệu đồng như trước. Ngoài ra, hành vi này còn bị tước giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng. Người điều khiển mô tô, xe gắn máy cũng chịu mức phạt từ 4 đến 6 triệu đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở, bị tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng.

Hiện nay, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia gây hậu quả nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản chiếm tỷ lệ khá cao. Vì vậy, việc tăng mức phạt như trên mới đủ sức răn đe, bởi đó cũng chính là một hình thức giáo dục về ý thức giao thông hiệu quả. Ngoài ra, đi kèm với phạt tiền thì có thể tăng thêm hình thức phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe, giữ phương tiện, thậm chí tịch thu phương tiện. Riêng với lĩnh vực kinh doanh vận tải, cũng cần tăng nặng xử phạt các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện. Hiện nay, các doanh nghiệp thường lập luận là việc vi phạm chủ yếu là do lái xe chứ không phải lỗi của họ. Không thể có kiểu suy nghĩ đổ lỗi cho lái xe. Chính vì vậy, việc tăng nặng xử phạt các doanh nghiệp là cần thiết. Phạt doanh nghiệp chính là cách “túm người có tóc”, là xử lý tận gốc của vấn đề, còn lái xe - họ chỉ là người làm thuê.

Bước đầu, dư luận đang rất đồng tình với việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là hợp lý để bảo đảm tính răn đe. Tăng mức xử phạt cũng là để bảo đảm tính nghiêm khắc của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ nhằm góp phần kéo giảm tai nạn giao thông vốn đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay.

NHẬT HUY