Du lịch và những thành tựu đáng ghi nhận
(BDO) Mặc dù du lịch Bình Dương còn gặp nhiều khó khăn, khó giữ khách lưu trú... tuy nhiên, năm 2018, nhiều hoạt động du lịch trong tỉnh đã được triển khai thực hiện tốt. Bên cạnh đó, xã hội hóa du lịch cũng được quan tâm hơn, góp phần quảng bá hình ảnh của một Bình Dương thân thiện đến với du khách gần xa...
Các doanh nghiệp tham dự liên hoan ẩm thực đường phố nhận hoa và quà lưu niệm từ Ban tổ chức
Những thành công đáng ghi nhận
Các hoạt động chính và quy mô của ngành du lịch trong năm qua có thể kể đến trước hết là quy hoạch, đầu tư du lịch trong tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị Quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Mới đây, cuối tháng 12-2018 tổ chức hội thảo “Du lịch Bình Dương - Nâng cao sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững”. Hội thảo với nhiều khách mời là chuyên gia, giảng viên ngành kinh tế, du lịch... của các trường đại học cũng giúp nhìn nhận lại những mặt ưu điểm, khuyết điểm, những hạn chế cần khắc phục để phát triển du lịch trong thời gian tới. Sở VHTT&DL cũng tiếp tục phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư dự án Cảng Bà Lụa phục vụ phát triển du lịch đường sông...
Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được Sở VHTT&DL thực hiện thông qua việc đứng ra tổ chức hoặc tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch do các tỉnh, thành phố tổ chức như: Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng 2018; hội chợ du lịch quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh; Festival biển Bà Rịa - Vũng Tàu… Qua các hoạt động đó đã cung cấp hơn 15.000 ấn phẩm, quà tặng lưu niệm đến với du khách. Cuộc thi “Sáng tác sản phẩm quà tặng lưu niệm, quà tặng du lịch Bình Dương” cũng thu hút nhiều nghệ nhân, họa sĩ tham gia. Điều đặc biệt nữa trong năm qua là việc phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức đưa các đại biểu về tham dự hội nghị lần thứ 11 của Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) đi tham quan một số điểm du lịch là các nhà vườn trồng cam tiêu biểu trên địa bàn TX.Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên và các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một trong những hoạt động quảng bá du lịch rất hiệu quả.
Đóng góp của dịch vụ lữ hành và lưu trú
Tại hội thảo “Du lịch Bình Dương - Nâng cao sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững” vừa qua, phát biểu về thế mạnh du lịch mà Bình Dương chưa khai thác hết, ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế trường Đại học Fulbright cho rằng, nguồn lợi từ du lịch “phải đến từ dịch vụ ăn uống và lưu trú chứ dựa vào tiền vé vào cổng thì không bao nhiêu cả, thu không đủ bù chi”. Ông cũng cho rằng, xã hội hóa du lịch cần có cách làm hay, quản lý tốt để vừa thu lợi về kinh tế, vừa xây dựng thương hiệu du lịch cho một vùng đất tốt hơn hết.
Ông Võ Văn Nở, Trưởng phòng Quản lý du lịch Sở VHTT&DL cũng cho rằng, việc xã hội hóa du lịch trong thời gian qua đóng góp rất nhiều cho du lịch Bình Dương. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 323 đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch hoạt động theo loại hình tổ chức, với 6.445 phòng, vốn đăng ký kinh doanh khoảng 1.675 tỷ đồng. 416 cơ sởlưu trú hoạt động theo loại hình hộkinh doanh cáthể, với 5.093 phòng, tổng số vốn đăng ký kinh doanh 225,8 tỷđồng và có 28 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành. Ước tổng lượt khách du lịch trong năm 2018 đạt 4,7 triệu lượt khách, trong đó có 300.000 lượt khách quốc tế, 4.450.000 lượt khách nội địa (đạt 102% kế hoạch năm và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2017)...
Một dự án du lịch đang được triển khai theo hướng xã hội hóa cũng được nhiều người quan tâm là Khu du lịch núi Cậu - hồ Dầu Tiếng. Cùng với du lịch tâm linh, đưa du khách đến các di tích, danh thắng, đình chùa... trong tỉnh cũng ngày càng được khai thác bài bản, hiệu quả.
Du lịch được coi là ngành công nghiệp không khói và với Bình Dương hiền hòa, mến khách như lâu nay, hy vọng du lịch ngày càng phát triển hơn nữa...
QUỲNH NHƯ