Du lịch Bình Dương khởi sắc

Thứ ba, ngày 20/12/2016

(BDO) Bình Dương là địa phương có nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh. Phát huy lợi thế sẵn có, tỉnh đã đưa ra những chính sách, chủ trương để khôi phục, xây dựng lại những địa điểm du lịch để thu hút du khách đến với Bình Dương. Mặt khác, tỉnh cũng đã chú trọng tổ chức các hoạt động để kích cầu du lịch làm du khách hài lòng.

Đông du khách đến viếng chùa Bà Thiên Hậu vào dịp rằm tháng giêng Ả nh: T.LÝ

 Khách du lịch tăng

Giai đoạn 2011-2015, nền kinh tế phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp du lịch nói riêng. Thế nhưng nhìn chung về hoạt động kinh doanh du lịch của Bình Dương vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định. Năm 2011, doanh thu du lịch ước thực hiện đạt 580 tỷ đồng, so với chỉ tiêu kế hoạch giao đạt 107,4%, so với cùng kỳ năm 2010 tăng 18% (491,244 tỷ đồng) và lượt khách ước phục vụ 3.800.000 lượt, so với cùng kỳ 2010 tăng 6,2% (3.578.932 lượt). Đến năm 2015, số lượng khách du lịch tăng đáng kể với 4.200.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 1.120 tỷ đồng.

Đáp ứng số lượng khách đến Bình Dương tăng mỗi năm, tỉnh đã hỗ trợ tích cực để các đơn vị lữ hành, đơn vị kinh doanh nhà nghỉ (NN), khách sạn (KS) thành lập và hoạt động đúng với quy định. Tính đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 238 đơn vị kinh doanh KS, NN hoạt động theo loại hình tổ chức, với 6.062 phòng. Trong tháng 10-2015 đã thẩm định được 83 KS, NN theo hồ sơ đề nghị của các tổ chức, cá nhân. Kết quả, 6 KS xếp hạng sao, 31 NN đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) gửi Tổng cục Du lịch đề nghị tái thẩm định KS Thắng Lợi đạt tiêu chuẩn 3 sao theo hồ sơ đề nghị. Như vậy, lũy kế đến cuối năm 2015, tỉnh có 70 KS, NN đã được công nhận hạng (15 KS xếp hạng 1 - 5 sao, với 867 phòng và 55 NN đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch với 1.105 phòng).

Du khách tham quan, thưởng thức trái cây tại Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín 2015 Ảnh: T.LÝ

Đánh giá kết quả hoạt động du lịch, ông Võ Văn Nở, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch Sở VH-TT&DL, khẳng định lượng khách đến với Bình Dương tăng là do các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh không ngừng đầu tư về quy mô lẫn chất lượng, thường xuyên quan tâm và luôn nâng cao chất

 lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch để phục vụ du khách đến tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng vào những ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, tết... Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về du lịch ngày càng phát huy được vai trò trách nhiệm, hoạt động ngày một hiệu quả, đã hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh du lịch của đơn vị.

Những cách làm hay

Phát triển du lịch trong tỉnh, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh trùng tu, tôn tạo các công trình di tích lịch sử để phát triển du lịch lịch sử như: Địa đạo Tam giác sắt, Chiến khu Đ, Nhà tù Phú Lợi... Đối với du lịch tâm linh, Bình Dương có chùa Bà Thiên Hậu, chùa núi Châu Thới, núi Cậu thu hút đông du khách vào dịp đầu năm. Với những điểm du lịch này, tỉnh đã chỉ đạo các ngành có liên quan, địa phương hỗ trợ để bảo đảm sự hài lòng, an toàn cho du khách.

Về hoạt động du lịch sinh thái, Sở VH-TT&DL đã triển khai Đề án “Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù Bình Dương”; phối hợp với Viện Quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương xây dựng phương án quy hoạch, đầu tư, cải tạo, khai thác cảng Bà Lụa thành cảng du lịch theo chủ trương của UBND tỉnh về lập quy hoạch chi tiết cảng Bà Lụa để phục vụ phát triển du lịch; nghiên cứu Dự án trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu và bán đảo Tha La, huyện Dầu Tiếng.

Sở VH-TT&DL cũng đã thành lập Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh. Trung tâm đã biên soạn, xuất bản Cẩm nang và Bản đồ Du lịch Bình Dương, xây dựng và vận hành website Du lịch Bình Dương; tuyên truyền các giá trị di tích lịch sử, văn hóa cách mạng cho đoàn viên thanh niên trong tỉnh, tham gia cung cấp thông tin du lịch Bình Dương tại các hội chợ du lịch do Tổng cục Du lịch và các tỉnh, thành tổ chức. Qua đó, đã góp phần quảng bá, xúc tiến và giới thiệu hình ảnh du lịch Bình Dương đến đông đảo người dân cũng như du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, ngành đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín năm 2013 và 2015. Lễ hội đã trở thành điểm nhấn thu hút du khách tìm về du lịch miệt vườn thưởng thức trái cây, các món ăn từ đặc sản Lái Thiêu như măng cụt, sầu riêng, bòn bon…

Ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, khẳng định lễ hội nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh vườn cây ăn trái Lái Thiêu đến với bạn bè trong, ngoài nước; tạo điều kiện để các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng có cơ hội giao lưu, tìm hiểu, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua hoạt động của lễ hội để tiếp tục xây dựng, duy trì hình ảnh tươi đẹp của vườn cây ăn trái Lái Thiêu, gìn giữ vùng sinh thái cho đô thị Thuận An; tăng cường quảng bá vùng sinh thái miệt vườn, tạo điều kiện để Thuận An đẩy mạnh việc phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái vườn, nhằm góp phần phát triển loại hình du lịch sinh thái vườn của tỉnh trong thời gian tới

 

 T.LÝ