Dự kiến hoàn thành chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 68 trong tháng Tám

Thứ năm, ngày 12/08/2021

(BDO)

Hà Nội thực hiện chi trả hỗ trợ tiền mặt cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Sau một tháng triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết Bộ đang đôn đốc các địa phương để hoàn thiện việc chi trả hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động trong tháng Tám.

Hỗ trợ gần 6.000 tỷ đồng

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Tổng số lao động đã được hỗ trợ đến thời điểm hiện tại là trên 13 triệu lượt người với tổng số tiền là gần 6.000 tỷ đồng.

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tiến độ chi trả của 12 chính sách được chia làm 3 nhóm: Chính sách về bảo hiểm đã hỗ trợ cho hơn 12 triệu lao động với số tiền khoảng 4.400 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ tiền mặt đã hỗ trợ cho hơn 1 triệu lao động với số tiền là trên 1.300 tỷ đồng; chính sách cho vay trả lương và phục hồi sản xuất đã hỗ trợ cho hơn 42.000 lao động với số tiền là trên 170 tỷ đồng.

Qua quá trình triển khai, đặc biệt là trong giai đoạn nhiều địa phương giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã có cách làm hay, triển khai rất tốt các chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương giãn cách sớm và thời gian rất dài nhưng đã tiến hành hỗ trợ cho người lao động tự do và một số đối tượng đặc thù rất nhanh. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt hỗ trợ lần 2 cho 3 nhóm đối tượng, gồm lao động tự do, hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn với kinh phí khoảng 800 tỷ đồng. Tỉnh Bình Dương hỗ trợ tiền nhà trọ cho 700.000 người lao động với tổng số tiền 210 tỷ đồng.

Nhiều địa phương đã có những mô hình sáng tạo triển khai hỗ trợ cho người lao động, nhất là các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Một số địa phương đã chủ động trong việc hỗ trợ đối với lao động tự do tại địa phương mình như: Lựa chọn ngành nghề để hỗ trợ phù hợp với địa phương; không quy định bắt buộc về điều kiện cư trú đối với lao động tự do (chỉ cần xác nhận tạm trú của cơ quan công an nơi người lao động đang tạm trú là được)…

Lấy ví dụ cụ thể về các mô hình sáng tạo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh dẫn chứng: “Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng tổ COVID-19 cộng đồng để làm thủ tục và hỗ trợ tiền đến tận tay người lao động tự do. Hay tại tỉnh Ninh Thuận để thúc đẩy tiến độ thực hiện và đưa chính sách đến tay người thụ hưởng, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp lập tổ công tác đặc biệt đi xuống từng nhà dân, hỗ trợ người dân và trực tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng chính sách từ tay người dân.”

Các địa phương chậm triển khai cần kiểm điểm trách nhiệm

Trong một tháng triển khai nghị quyết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức 2 hội nghị trực tuyến giữa các đơn vị thuộc Bộ với tất cả cán bộ, công chức của 63 Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố và các ngành liên quan. Trên cơ sở đánh giá về tình hình triển khai, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề nghị các địa phương chậm triển khai kiểm điểm lại trách nhiệm.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh: “Các địa phương phải có kế hoạch chi tiết và phân công cán bộ phụ trách cho từng đối tượng; chủ động rà soát đối tượng. Cùng với đó, linh hoạt các hình thức tuyên truyền, giải thích để người sử dụng lao động hiểu và triển khai.”

Theo ông Thanh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phân công các Thứ trưởng phụ trách tại các vùng khác nhau trên cả nước, cập nhật số liệu triển khai của các địa phương hàng ngày. Khi nhận thấy địa phương nào làm chậm sẽ đôn đốc ngay. Từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đến các sở ngành đều vào cuộc quyết liệt để tiền hỗ trợ đến tay người dân nhanh nhất. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cố gắng trong tháng Tám sẽ hoàn thiện việc chi trả theo Nghị quyết 68/NQ-CP.

Hiện nay, các hình thức đăng ký trực tuyến để hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP đã được triển khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thời gian thẩm định, phê duyệt cũng được rút ngắn tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động và người sử dụng lao động sớm tiếp cận và được thụ hưởng chính sách. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu các địa phương chủ động rà soát đối tượng, nắm bắt đời sống của người dân.

Ngoài ra, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang soạn bộ “Hỏi-Đáp” tập hợp tất cả những khó khăn, vướng mắc sau quá trình triển khai thực tế. Bộ “Hỏi-Đáp” được xây dựng một cách kỹ lưỡng và được cập nhật thường xuyên, giúp giải đáp thắc mắc để người lao động, người sử dụng lao động, địa phương chủ động giải quyết, tháo gỡ khó khăn./.

Theo TTXVN