Du dương những giai điệu mùa trái chín trong Tết Đoan Ngọ
(BDO) Văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú nên tại mỗi vùng miền của đất nước lại có những nét văn hóa đặc trưng riêng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Ở Bình Dương, Tết Đoan Ngọ cũng giữ vai trò không kém phần quan trọng so với những tết cổ truyền khác.
Tiết mục “Quê em Bình Dương” do Đội Nghệ thuật Măng non Nhà Thiếu nhi tỉnh biểu diễn trong chương trình báo cáo tham gia liên hoan Búp sen hồng năm 2019
Nét đẹp văn hóa truyền thống
Tết Đoan Ngọ là tết truyền thống của người Việt và một số nước Đông Á vào ngày mồng 5-5 âm lịch. Đoan Ngọ là ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm nên thường xảy ra nhiều bệnh dịch. Vì vậy, ông cha ta đã có nhiều phương cách trừ trùng, phòng bệnh để bảo vệ sức khoẻ, như: Tục giết sâu bọ, hái lá cây làm thuốc Nam, đeo bùa ngũ sắc...
Người xưa tin vào giờ Ngọ (11 - 13 giờ) ngày mồng 5-5 là thời khắc dược tính trong các loại cây cỏ đạt đến mức cao nhất. Vì vậy, người dân thường đi hái các loại thảo dược về băm nhỏ, phơi khô làm thuốc và trà, bảo quản cẩn thận để gia đình dùng cho cả năm. Điều này là khởi nguồn cho phong tục hái lá thuốc ngày Tết Đoan Ngọ.
Trước đây, Đoan Ngọ còn được gọi là ngày “y dược toàn dân” với mục đích tôn vinh kinh nghiệm, phương pháp truyền thống dân gian và đề cao tinh thần phòng dịch bệnh. Thông điệp của ngày Tết Đoan Ngọ qua những phong tục độc đáo là cầu mong “sức khoẻ, bình an”.
Đối với người Bình Dương, Tết Đoan Ngọ cũng không kém phần quan trọng so với những ngày tết cổ truyền khác. Tết Đoan Ngọ cũng là thời điểm trái cây khu vực Lái Thiêu (TP.Thuận An) và một số địa phương trong tỉnh vào mùa. Vào những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, khu vực Lái Thiêu thường thu hút đông du khách đến thưởng thức hương vị ngọt ngào của các loại trái cây nổi tiếng, như: Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… và nhiều món ăn độc đáo, như: Gỏi măng cụt, gà nướng sầu riêng…
Những năm gần đây, vào dịp Tết Đoan Ngọ, tỉnh đã tổ chức lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín với hàng trăm gian hàng trái cây của Bình Dương và các tỉnh, thành thuộc vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động ý nghĩa, đậm đà bản sắc văn hóa Nam bộ. Có thể kể đến các hoạt động, như: Trưng bày các tác phẩm tạo hình từ hoa quả; không gian đờn ca tài tử; cuộc thi hương sắc miệt vườn, làng ẩm thực Nam bộ; các chương trình ca nhạc, nghệ thuật đường phố, hội thi đờn ca tài tử, đua xuồng ba lá… cùng nhiều tour tuyến du lịch sinh thái được triển khai thực hiện sôi nổi.
Du dương giai điệu mùa trái chín
Vừa thưởng thức những món ăn đặc trưng trong dịp Tết Đoan Ngọ, vừa hòa mình vào những giai điệu ngọt ngào ngợi ca mùa trái chín ở Bình Dương, chúng tôi càng thấy nơi đây đúng là “vùng đất lành”. Có người nói, do Bình Dương có sông nước hữu tình, trái cây ngọt ngào, thanh mát… nên chất nhạc ở đây rất “lành” và đậm nét văn hóa Nam bộ. Nét đẹp ấy không biết từ bao giờ đã trở thành nguồn cảm xúc dạt dào trong nhiều sáng tác của các văn nghệ sĩ.
Nhiều ca khúc nổi tiếng, như: “Người đẹp Bình Dương” của nhạc sĩ Võ Đông Điền, “Quê em Bình Dương” của nhạc sĩ Trương Quang Lục, “Thuận An khúc hát mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Minh Thuận, “Từ hương bưởi quê em” của nhạc sĩ Nguyễn Long… đã đạt được nhiều giải thưởng cao trong các sân chơi âm nhạc khu vực và toàn quốc.
“…Dưới bóng mát quê hương, ve ngân nga rộn rã/ Em bảo anh rằng, đường về nhà em vườn trái câу đưa hương thơm/ Hái trái chín quê hương, em trao anh một nửa/ Hương vị ngọt ngào, ngọt ngào tình quê đâу em gái Bình Dương…”. Những giai điệu ngọt ngào của ca khúc “Người đẹp Bình Dương” do nhạc sĩ Võ Đông Điền sáng tác đã làm “mát lòng” nhiều du khách mỗi khi có dịp ghé qua. Không dừng lại ở đó, ca khúc còn được nhạc sĩ Võ Đông Điền chuyển thể thành tân cổ giao duyên. Mỗi câu từ trong bài nghe rất thấm hương vị tình đất, tình người Bình Dương.
Chia sẻ với chúng tôi, nhạc sĩ Phạm Minh Thuận, cho biết mỗi bài hát ngợi ca mùa trái chín của ông đều có những kỷ niệm khó quên. Bởi miệt vườn cây trái Lái Thiêu là đặc sản quê hương nổi tiếng của Thủ Dầu Một xưa, của vùng đất hiền hòa, đậm nghĩa tình của đất và người Bình Dương nói riêng, Đông Nam bộ ngày nay nói chung. “Biết bao hương thơm cây trái ngọt ngào vươn lên từ bùn đất. Từ phù sa ngàn đời, những giọt mồ hôi của những người nông dân cần mẫn, chăm chỉ, những đôi tay chai sần đã dâng cho đời những hương hoa mật ngọt. Chỉ bao nhiêu đó thôi, chúng ta đã mang nợ ân tình kể sao cho hết. Những câu hát, giọng hò chân tình xin ghi nhận”, nhạc sĩ Phạm Minh Thuận chia sẻ.
Người xưa tin vào giờ Ngọ (11 - 13 giờ) ngày mồng 5-5 âm lịch là thời khắc dược tính trong các loại cây cỏ đạt đến mức cao nhất. Vì vậy, người dân thường đi hái các loại thảo dược về băm nhỏ, phơi khô làm thuốc và trà, bảo quản cẩn thận để gia đình dùng cho cả năm. Điều này là khởi nguồn cho phong tục hái lá thuốc ngày Tết Đoan Ngọ. |
THỤC VĂN