Dự báo xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi
(BDO) Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu rau quả Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới, ngành nông nghiệp vẫn cùng các địa phương xây dựng vùng chuyên canh gắn chuỗi giá trị, phát huy đà tăng trưởng.
Doanh nghiệp thu mua sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, sầu riêng, thanh long, chuối và nhãn là những loại trái cây đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả. Bên cạnh các sản phẩm chế biến, các thị trường chủ lực cũng ghi nhận mức tăng 10-50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc vẫn là những thị trường lớn, khi tới hết tháng 5, các thị trường này tăng nhập khẩu từ 30 - 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Trung Quốc, 5 tháng đầu năm, thị trường này này đã nhập khẩu khoảng 1,7 tỷ USD rau quả Việt Nam, tăng 33% so với cùng kỳ 2023.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng có xu hướng tăng. Đặc biệt một số loại trái cây như sầu riêng đã bước vào vụ thu hoạch chính; thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn… sẽ góp phần tăng trưởng hơn nữa với thị trường Trung Quốc.
Vùng trồng sầu riêng lớn nhất Việt Nam hiện nay ở các tỉnh Tây nguyên sẽ vào mùa thu hoạch rộ trong tháng 9, tháng 10. Năm ngoái đây là giai đoạn xuất khẩu sầu riêng cao kỷ lục của Việt Nam do Thái Lan hết hàng.
Năm nay do ảnh hưởng bởi El Nino nên sản lượng thanh long bán ra trên toàn cầu lao dốc. Tại các quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ, nguồn cung từ Mexico và các nước Nam Mỹ năm nay cũng bị mất mùa nên cơ hội để hàng Việt chinh phục các thị trường. Ngoài ra, nguồn cung giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến giá thanh long những tháng đầu năm ở mức cao.
Vụ vải vừa qua, mặc dù sản lượng vải thiều của Bắc Giang giảm hơn 50% so với năm 2023, nhưng doanh thu vẫn đạt cao hơn năm ngoái nhờ giá. Bên cạnh đó, chất lượng vải thiều cao nhất từ trước đến nay do người trồng vải trên địa bàn tỉnh tiếp tục ứng dụng tốt hơn tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong canh tác. Cùng đó, các ngành chức năng đã chuẩn bị tốt điều kiện cho xuất khẩu.
Ngay từ đầu vụ các cơ quan liên quan của tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại với các đối tác trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ với chính quyền các địa phương giáp biên giới tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu vải thiều. Bắc Giang có 29.700 ha vải thiều; trong đó vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 15.600 ha; duy trì vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82 ha. Sản lượng vải thiều Bắc Giang xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 24.785 tấn (gần 29% tổng sản lượng) với thị trường chủ yếu là Trung Quốc và một số quốc gia như: EU, Nhật Bản, Australia, Mỹ, Canada…
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, các tỉnh có thế mạnh trái cây ngày càng chú trọng xây dựng các vùng sản xuất chủ lực để gắn với xuất khẩu. Mới đây, tỉnh Sơn La đã đưa sản phẩm thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang thị trường Italia, Nga. Việc xuất khẩu thành công quả thanh long ruột đỏ theo đường chính ngạch sang thị trường các nước châu Âu góp phần tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng phát triển bền vững cho cây trồng này.
Để nâng cao chất lượng thanh long, tạo ra trái thanh long chất lượng, đảm bảo năng suất và nâng cao giá trị trái thanh long, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, tỉnh Bình Thuận phê duyệt Chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến cuối năm 2024, Bình Thuận phấn đấu có 10.500 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Bình Thuận sẽ xây dựng các tổ hợp tác, nhóm liên kết, hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiệp hội Thanh long tỉnh vận động các doanh nghiệp liên kết với các tổ nhóm, hợp tác xã sản xuất thanh long VietGAP để có vùng nguyên liệu thanh long an toàn phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân; hướng dẫn đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm liên kết sản xuất thanh long theo VietGAP.
Hay tại Tiền Giang, ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh phát triển bền vững vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu, phát triển kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, đẩy nhanh tiến độ cấp mã vùng trồng. Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu gần 8.600 ha tập trung ở các huyện của tỉnh như Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông…
Về xuất khẩu trái cây, ông Nguyễn Đình Mười, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T chia sẻ, mỗi thị trường sẽ có các tiêu chuẩn, quy định đối với hàng hóa nhập khẩu riêng. Mỗi nước sẽ kiểm tra chặt chẽ dư lượng bảo vệ thực vật trên sản phẩm, chất lượng sản phẩm, cân nặng sản phẩm... khác nhau. Điều cần được quan tâm đầu tiên khi xuất khẩu nông sản là thông tin thị trường.
Chẳng hạn, thị trường Australia, Mỹ… có quy định rất khắt khe về chất lượng, yêu cầu, quy định luật pháp rõ ràng. Do đó, đòi hỏi người trồng phải quan tâm từ kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, bảo quản, vận chuyển...
Để có thể thâm nhập các thị trường, ông Nguyễn Đình Mười cho rằng, phải định hướng thị trường, gắn với quy hoạch vùng trồng, vùng sản xuất và các giải pháp nhằm bảo đảm sự ổn định thị trường, đặc biệt là vấn đề xây dựng thương hiệu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam. Đến nay đã cấp 7.558 mã số vùng trồng tại 56 tỉnh và 1.558 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, ngành theo dòi sát các loại cây ăn quả, đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực như thanh long, nhãn, sầu riêng, xoài, chôm chôm ở Đồng bằng sông Cửu Long để có chỉ đạo rải vụ phù hợp, tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, GAP). Đồng thời, rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có thị trường thuận lợi, đặc biệt là các thị trường lớn; xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến, thị trường.
Theo TTXVN