Dự báo, vùng áp thấp gây mưa lớn kéo dài ở miền Trung, có nơi lên tới 1.200 mm
Ngày 7/1, tại Hà Nội Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp bàn các phương án ứng phó với vùng áp thấp và diễn biến mưa lũ. Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đêm 5/10 và sáng 6/10 trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa lớn diện rộng làm 2 người chết (ông Phàn Láo Ú, sinh năm 1983 bị lũ cuốn và cháu Phí Thị Ngọc Vy, 3 tuổi bị lũ cuốn); 42 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; 18,2ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; sạt lở Quốc lộ 4D, đường tỉnh 151,156,156B gây ách tắc giao giao thông, đến nay đã thông tuyến. Sau khi xảy ra thiên tai, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người chết và chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả.
Toàn cảnh cuộc họp
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hiện tại, vùng áp thấp không có khả năng mạnh thêm và có sức gió mạnh nhất đạt cuối cấp 5, đầu cấp 6. Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm, hiện có một vùng áp thấp khác ở phía Đông Philipines. Từ ngày 12-14/10, vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới/bão, hướng về các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.
Nhận định về tình hình mưa lớn kéo dài tại miền Trung, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, các tỉnh, thành phố Trung Bộ có mưa lớn kéo dài trong khoảng 10 ngày tới (tính từ ngày 7/10) và chia làm 2 đợt, đợt 1 từ ngày 7-9/10 khu vực này có lượng mưa từ 300 -500 mm, riêng khu vực từ Hà Tĩnh - Quảng Ngãi từ 500-700 mm. Đợt 2, khoảng từ 12-14/10. Tổng lượng mưa cả đợt ở các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi trong 10 ngày tới khoảng 500-1.000mm, có nơi từ 1.000-1.200mm. Trong 10 ngày tới, tỉnh Nghệ An, khu vực Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa lớn từ 200-500 mm, Nam Bộ và Nam Tây Nguyên từ 100-300mm. Lũ trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố có khả năng lên mức báo động 2 và trên mức báo động 2; hạ lưu sông cả và sông La dưới mức báo động 1. Lũ trên các sông Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi có khả năng lên mức báo động 2 và trên báo động 2, một số sông suối nhỏ lên mức báo động 3.
Thượng lưu các sông từ Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam có khả năng lên mức báo động 1-báo động 2, có nơi trên báo động 2, hạ lưu ở mức báo động 1 và trên báo động 1. Lũ trên các sông từ Bình Định đến Bình Thuận có khả năng lên mức báo động 1-báo động 2, có nơi trên báo động 2. Lũ trên các sông ở Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 1-báo động 2, có nơi trên báo động 2. Lũ trên các sông ở Nam Tây Nguyên ở mức báo động 1, các sông, suối nhỏ có khả năng lên báo động 2-báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp ở các tỉnh, thành phố Nghệ An đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có tổng số 61.898 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên, trong đó có 486 tàu cá trong khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của vùng áp thấp. Hiện các tàu cũng đã được thông báo diễn biến của vùng áp thấp để di chuyển tới nơi an toàn. Thông tin từ Vụ Quản lý Đê điều, Tổng cục phòng chống thiên tai, trên hệ thống đê hiện còn tồn tại 63 vị trí xung yếu với tổng chiều dài 148,4km, ngoài ra còn có 40 công trình đê điều đang thi công. Đối với các hồ thuỷ điện, hiện hồ Hòa Bình duy trì mở 1 cửa xả đáy từ lúc 24 giờ ngày 5/10, hồ Thác Bà chủ động vận hành để giữ mực nước không vượt quá mực nước quy định; hồ Tuyên Quang đã mở 1 cửa xả vào lúc 17 giờ ngày 6/10. Tại khu vực Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ chứa, hiện có 55 hồ hư hỏng. Khu vực Nam Trung Bộ có 517 hồ, hiện có 24 hồ hư hỏng và 31 hồ đang thi công. Khu vực Tây Nguyên có 1.246 hồ chứa, hiện có 41 hồ hư hỏng.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với vùng áp thấp và mưa lũ theo nội dung Công điện số 20/CĐ-TWPCTT của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
"Theo dự báo, vùng áp thấp gây mưa rất lớn ở khu vực miền Trung, do vậy các đơn vị chức năng quan tâm chỉ đạo việc thu hoạch thuỷ hải sản, chuẩn bị đầy đủ hệ thống tiêu chống úng, lưu ý đến hệ thống các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi đặc biệt là là 3 hồ Tả Trạch (Thừa Thiên - Huế), Ngàn Trươi (Hà Tĩnh), Cửa Đạt (Thanh Hoá). Trung Bộ là nơi tập trung hơn 2.000 trang trại nuôi gia súc, gia cầm lớn với hơn 6 triệu con lợn do mưa lớn kéo dài tại khu vực trên nên cần có kế hoạch di chuyển trang trại và lợn về nơi an toàn. Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và ngành Giao thông vận tải sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó khi có tình huống xảy ra", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý./.
Theo VOV