Dự án Xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh: Hiệu quả “5T” trên công trường

Thứ năm, ngày 23/09/2021

(BDO) Một ngày giữa tháng 9, trở lại thăm công trường Xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, trong khi dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, đơn vị thi công dự án đã khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra, triển khai thực hiện phương án “5T” để bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thành kế hoạch. Dự kiến đến cuối năm 2021, dự án sẽ hoàn thành, trở thành tuyến đường huyết mạch, nối liền tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, góp phần thúc đẩy giao thương, thuận lợi phát triển giữa 2 địa phương.

Dự án Xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, thực hiện hiệu quả “5T”, bảo đảm tiến độ thi công trên “pháo đài” công trường.

 Bảo đảm tiến độ thi công

Sau những ngày nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, Dầu Tiếng hôm nay đã trở lại “vùng xanh”, từng bước khôi phục kinh tế. Trên công trường dự án Xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, tiếng máy xúc, tiếng máy khoan, tiếng máy đổ bê tông, tiếng đóng cọc đã tạo nên một “công xưởng” thi công, một “dàn nhạc hợp xướng ca” thanh vang trong niềm hăng say làm việc của những người thợ xây.

Để bảo đảm tiến độ thi công, không để “đứt gãy” hoạt động xây dựng công trình, bảo đảm “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thực hiện thi công xây dựng công trình, ngay từ khi dịch bùng phát, đơn vị thi công đã triển khai phương án “3 tại chỗ”. Trên công trường dự án hiện có hơn 10 kỹ sư xây dựng và hơn 50 công nhân đang ngày đêm miệt mài lao động. Đến nay, đơn vị tiếp tục thực hiện phương án “5T” phấn đầu hoàn thành công trình trong năm 2021 theo kế hoạch đề ra.

Ông Lê Văn Dần, Giám đốc Công ty Đại Thiên Trường, đơn vị thi công công trình, cho biết: “Khi đơn vị triển khai thi công dự án không lâu đã đến mùa mưa nên không đắp được đất, đồng thời thực hiện giãn cách xã hội, khiến cho vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng và hoạt động đi lại gặp khó khăn. Tuy nhiên, để khắc phục những khó khăn này, đơn vị đã triển khai thực hiện phương án “3T”, rồi triển khai “5T”. Để bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả, đơn vị đã thực hiện test Covid cho tất cả các kỹ sư và công nhân xây dựng trên công trường 2 lần/1 tuần. Thực hiện nghiêm quy định 5K; không cho người ngoài vào trong khu vực công trường. Giữ công trường là “vùng xanh” trở thành “pháo đài” bền vững để thi công các hạng mục. Chính nhờ thực hiện công tác phòng, chống dịch, đơn vị đã cơ bản bảo đảm được tiến độ theo kế hoạch đề ra trong năm 2021, đồng thời tạo được việc làm cho công nhân xây dựng”.

Tính đến nay, công trình có khối lượng thi công xây dựng đạt 55% theo khối lượng hợp đồng. Phía Bình Dương (gói thầu do Công ty Đại Thiên Trường thực hiện), hiện đã thi công hoàn thiện 04 cọc biện pháp D800, Mố M1, Trụ T1, T2, Trụ T3 đã hợp long biên ĐN1, đúc hẫng khối K21 ĐN2. Phần đường dẫn đã triển khai thi công hoàn thành cọc CDM. Phía Tây Ninh (do Công ty 492 thi công), hiện đã thi công hoàn thiện 04 cọc biện pháp D800. Trụ T5, Trụ T4 đang triển khai thi công khối K5 ĐN2. khối K, K1 ĐN1, Trụ T6 đã thi công hoàn thiện cọc khoan nhồi và đổ bê tông lót. Mố M2 đã thi công bệ, thân và tường cánh. Phần đường dẫn hiện đã triển khai thi công hoàn thành cọc CDM.

Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025. Theo đó, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ. Hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là các công trình mang tính động lực, bảo đảm kết nối thông suốt trong tỉnh và giữa Bình Dương với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng triển khai hệ thống giao thông liên vùng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực mới để phát triển nhanh và mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nhằm cụ thể mục tiêu trên, tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh đã hợp tác triển khai xây dựng dự án đường và cầu kết nối giữa hai tỉnh. Dự án có chiều dài 800,39m, phần đường dẫn phía tỉnh Bình Dương dài 377,7m; phần đường dẫn phía tỉnh Tây Ninh dài 92,2m. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 369,98 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 288 tỷ 717 triệu đồng. Phần đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, có vận tốc thiết kế 80km/h. Phần cầu được bê tông cốt thép dự ứng lực, tuổi thọ thiết kế 100 năm. Dự án được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2024, do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư.

ông Vương Thế Hùng, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, cho biết: “Sau khi dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân lưu thông cũng như vận chuyển hàng hóa, tạo trục kết nối liên vùng giữa Tây Ninh, Bình Dương và các tỉnh, thành trong khu vực; đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông Bình Dương; “kích cầu” phát triển kinh tế tỉnh nhà”.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: “Dự án nhằm hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ giữa hai tỉnh nói riêng, liên vùng nói chung. Bảo đảm nối liền mạng lưới giao thông trong khu vực, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”.

Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết: “Dự án Xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, do hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương chung tay thực hiện sẽ tạo bước đột phá trong kết nối vùng, thúc đẩy phát triển không chỉ hai địa phương mà còn cả khu vực Đông Nam Bộ. Hai dự án này được kỳ vọng mở ra sự kết nối giao thông thông suốt, tạo trục kết nối liên vùng giữa Tây Ninh, Bình Dương và các tỉnh, thành trong khu vực; mở rộng kết nối đến các đầu mối hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, như sân bay Long Thành, đường Cao tốc Bắc Nam và hệ thống cảng biển quốc tế phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh. Các dự án được khởi công xây dựng không chỉ là niềm vui của nhân dân, mà còn là sự nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo hai tỉnh”.

Phương Lê