Dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông đường Mỹ Phước - Tân Vạn: Đồng thuận vì sự phát triển
(BDO) Dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông (O&M) trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư đến Bình Dương, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, việc lắp đặt trạm thu phí sẽ tạo ra nguồn thu để bảo đảm chi cho bảo trì, bảo dưỡng tuyến đường và đầu tư các hạng mục chống ùn tắc như cầu vượt, hầm chui…
Thực hiện dự án O&M để giải quyết tình trạng kẹt xe, khai thác hiệu quả tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn
Thúc đẩy thu hút đầu tư
HĐND tỉnh vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông (dự án O&M) trên các tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747B, ĐT743. Dự án do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến 9.623 tỷ đồng. Trong đó chi phí dự kiến xây dựng trạm thu phí 48 tỷ đồng, sửa chữa mặt đường 613 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 1.238 tỷ đồng… Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M).
Ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh. Quy mô và phương án thiết kế sơ bộ của dự án đã được Sở Giao thông - Vận tải thống nhất. Các hạng mục trong dự án không trùng lặp với các hạng mục của dự án “Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại Bình Dương”. Ông Minh cho biết thêm, việc đầu tư chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường giúp giải tỏa áp lực giao thông, bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống trong khu vực. Bên cạnh đó, góp phần giúp hàng hóa lưu thông được thuận lợi, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Từ đó giúp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực dự án nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung.
Trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, dự án sẽ được thực hiện đoạn từ Km0+000 - Km62+430 và đoạn vuốt nối vào đường ĐT743A. Theo đó, sẽ có 6 cầu vượt trên tuyến chính gồm cầu vượt quốc lộ 1A dài 163m; cầu vượt đường quốc lộ 13 dài 300,68m; cầu vượt vào khu ICD TBS - Tân Vạn dài 143m; các cầu vượt đường Phạm Ngọc Thạch; cầu vượt ĐT741; cầu vượt nút giao XE1 Khu công nghiệp Mỹ Phước dài 282,75m. 6 hầm chui trên tuyến chính gồm nút giao với đường Tạo lực tại Km19+143, nút giao đường Võ Văn Kiệt tại Km25+300, đường NE2 - KCN Mỹ Phước tại Km33+840, đường NA3 - Khu công nghiệp Mỹ Phước tại Km36+660, đường N4 tại Km51+630, vòng xoay tại Km53+120; hầm chui đường ngang gồm 15 hầm; cầu vượt người đi bộ 28 cầu; đường gom dân sinh 7 đoạn.
Ông Đàm Trọng Cường, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Bình Dương, cho biết: “Trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân vạn, tại ngã 5 An Phú, ngã tư giao lộ ĐT743 hiện đang là điểm “nóng” về ùn tắc giao thông. Bình Dương là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhu cầu vận chuyển hàng hóa nhiều. Dự án O&M được triển khai sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc giảm ùn tắc giao thông, góp phần bảo đảm an toàn. Đồng thời, dự án sẽ giảm thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng thêm chuyến vận chuyển, nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.
Tạo nguồn thu để duy tu, bảo dưỡng
Ông Phú Hữu Minh cho biết: “Hàng năm, các khoản chi phí để duy tu bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh, chiếu sáng nhằm duy trì khả năng khai thác tuyến đường này trong tình trạng tốt nhất là rất lớn. Các khoản chi phí này đều do Tổng Công ty Becamex IDC chi trả. Nguồn ngân sách tỉnh bố trí cho công tác bảo trì đường bộ có hạn. Với lưu lượng giao thông hiện tại và dự báo trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao thông trên tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn là rất cao, cần phải có chi phí đầu tư nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe ở một số đoạn. Do đó, việc tạo ra nguồn thu để bảo đảm các khoản chi cho bảo trì, bảo dưỡng tuyến đường và đầu tư các hạng mục như cầu vượt, hầm chui, cầu vượt bộ hành, đường gom, tạo cảnh quan cho toàn tuyến là cần thiết”.
Đầu tư theo hình thức đối tác công tư có ý nghĩa đặc biệt trong việc vừa tháo gỡ khó khăn cho ngân sách Nhà nước về vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, lại vừa hạn chế được các khoản vay nước ngoài. Với cơ chế PPP, Nhà nước sẽ giảm được gánh nặng phải tìm kiếm, sắp xếp và phân bổ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho cơ sở hạ tầng. Việc tham gia vào cơ chế PPP sẽ có sự phân chia rủi ro giữa cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư, tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao khả năng quản lý công. Trong đó, Nhà nước sẽ không phải làm công việc quản lý hàng ngày mà tập trung vào việc lập kế hoạch và giám sát việc quản lý; tận dụng được khả năng quản lý của nhà đầu tư. Việc đặt trạm thu phí trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, theo đại diện nhà đầu tư dự án Becamex IDC, các nguồn thu sẽ chi vào chi phí duy tu bảo dưỡng, trung tu, đại tu, chăm sóc cây xanh, vệ sinh tuyến đường và chi vào các kế hoạch đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án.
Anh Nguyễn Văn Minh, tài xế xe container, vận chuyển hàng hóa từ Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 đến cảng Cát Lái, TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Cánh tài xế chúng tôi rất ủng hộ việc thu phí xe qua trạm An Phú khi đặt trạm ở đây. Tốn phí, nhưng tuyến đường không bị ùn tắc sẽ giúp chúng tôi vận chuyển hàng hóa thuận tiện và nhanh chóng hơn. Việc tăng chuyến không chỉ bảo đảm đơn hàng cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu, mà còn giúp tôi tăng thêm thu nhập, tạo cuộc sống ổn định”.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: Việc đầu tư tuyến đường này từ nguồn vốn xã hội hóa là cách làm chủ động, sáng tạo của Bình Dương. Tuyến đường đã góp phần quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông. Hiện nay tuyến đường này đã quá tải vào các giờ cao điểm, do đó tỉnh cần nhanh chóng đầu tư mở rộng, xây dựng các nút giao khác mức như cầu vượt, hầm chui. Ông Nguyễn Tầm Dương, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Dự án O&M được đầu tư với mục tiêu tạo ra hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ thông thoáng, chống ùn tắc và kẹt xe tại các điểm nóng, tạo cảnh quan đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm các khoản chi phí duy tu bảo dưỡng, duy trì khả năng khai thác các tuyến đường này trong tình trạng tốt nhất, dự án sẽ góp phần giảm chi phí vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên địa bàn, giảm tình trạng ô nhiễm do khói bụi, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Ths - Kiến trúc sư Hoàng Huy Thịnh, Giám đốc Chương trình đào tạo ngành quy hoạch vùng và đô thị, trường Đại học Thủ Dầu Một: Hiện nay, ở một vài vị trí nút giao thông kết nối xuyên tâm với đô thị hiện hữu bị quá tải. Việc xây cầu vượt, hầm chui, hình thành các nút giao thông khác mức theo kiểu hoa mai là phương án hữu hiệu, đồng thời tạo mỹ quan đô thị, thẩm mỹ cho không gian kiến trúc đô thị. |
PHƯƠNG LÊ