Dự án quy hoạch đường gom trên địa bàn Bình Dương: Liệu có khả thi?
Quốc lộ 13 đoạn qua Bình Dương hiện có tới 270 điểm đấu nốiTrung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải (GTVT) vừa kết hợp với Sở GTVT Bình Dương trình UBND tỉnh đề án quy hoạch đường gom và các điểm đấu nối đường giao thông công cộng (GTCC) vào các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Bộ GTVT với tổng kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ý kiến của các sở ngành liên quan, đề án này “rằng hay thì thật là hay...” nhưng nghe xong thì chưa thấy tính khả thi tí nào!
“Rằng hay thì thật là hay...”
Theo đơn vị tư vấn (Trung tâm Nghiên cứu phát triển GTVT), hiện Bình Dương có 3 tuyến quốc lộ đi qua, đó là quốc lộ 1A, 1K và 13. Với sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đầu tư công nghiệp và đô thị, hệ thống GTCC trên địa bàn có nhiều điểm đấu nối trực tiếp vào các tuyến quốc lộ không bảo đảm các quy định của Bộ GTVT và không an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Trước đó Chính phủ đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương phải hoàn thành quy hoạch đường gom ngoài hành lang an toàn hệ thống quốc lộ và thỏa thuận với Bộ GTVT các vị trí đấu nối vào hệ thống quốc lộ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tinh thần của đề án là quy hoạch xây dựng hệ thống các đường gom dọc theo các tuyến quốc lộ, nằm ngoài hành lang an toàn giao thông; đồng thời đối với một số đoạn không thể xây dựng đường gom riêng biệt, sẽ hình thành hệ thống dải phân cách mềm dọc theo tuyến quốc lộ nhằm hạn chế các điểm đấu nối với các tuyến quốc lộ. Hiện nay trên tuyến các quốc lộ đi qua Bình Dương, trong đó quốc lộ 13 có chiều dài 64,15km với 270 điểm đấu nối; quốc lộ 1K dài 5,073km, có 39 điểm đấu nối; quốc lộ 1A gồm 2 đoạn (đoạn 1 từ cầu Đồng Nai - Đại học Quốc gia TP.HCM, đoạn 2, từ Đại học Nông Lâm - Tam Bình, Thủ Đức), có tổng chiều dài 5km với 26 điểm đấu nối. Đơn vị tư vấn cho rằng, với hiện trạng đấu nối trực tiếp nhiều vào hệ thống quốc lộ mà phần lớn là các điểm đấu nối giản đơn nên dẫn đến tình trạng xung đột giữa các dòng giao thông liên tỉnh và địa phương tại các ngã 3, ngã 4 ngày càng tăng, nguy cơ xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông là rất cao. Theo đó, sau khi quy hoạch trên quốc lộ 13 chỉ còn 29 điểm đấu nối; quốc lộ 1A chỉ còn 3 điểm đấu nối và quốc lộ 1K chỉ còn 8 điểm đấu nối.
Một điểm đáng chú ý nữa, đó là đề án sẽ quy hoạch lại hệ thống cây xăng trên các tuyến quốc lộ này. Theo phân tích, hầu hết các cây xăng trên 3 tuyến quốc lộ đều nằm trong hành lang an toàn đường bộ, khoảng cách không bảo đảm theo quy định. Mặt khác, đặc tính các phương tiện lưu thông trên các tuyến quốc lộ là xe tải, container, vì vậy diện tích chiếm dụng khi dừng đỗ tiếp nhiên liệu rất lớn, các cây xăng không có đường dẫn, làm cản trở tốc độ lưu thông. Theo đó, đề án sẽ tính toán, các cây xăng nằm trong hành lang an toàn giao thông sẽ bị đẩy lùi ra khỏi hành lang an toàn theo quy định và chỉ tổ chức đấu nối các cây xăng với quốc lộ có cự ly bảo đảm khoảng cách theo quy định, xây đường dẫn các cây xăng đấu nối vào quốc lộ; còn các cây xăng khác sẽ được tổ chức đấu nối vào các tuyến đường gom.
Đánh giá về mục tiêu đề án, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn cho rằng, đây là một ý tưởng rất hay, đáp ứng được việc kiềm chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và chỉnh trang đô thị, nếu làm được theo quy hoạch thì giao thông Việt Nam sẽ hiện đại như các nước có hệ thống giao thông tiên tiến.
Liệu có khả thi?
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Phú Hữu Minh cũng đồng tình và cho rằng: “Nghe xong đề án, ý tưởng là rất hay rồi, quy hoạch như ở nước ngoài vậy nhưng ở Việt Nam liệu có khả thi hay không?”. Theo ông Minh, cái khó là tâm lý người dân Việt Nam có xu hướng chung muốn “ra mặt đường ở”, nếu làm đường gom sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Mặt khác, với việc quy hoạch (trong đó sẽ mở rộng các mặt cắt của các tuyến quốc lộ) sẽ phải tiến hành giải phóng mặt bằng, sẽ phải giải quyết vấn đề đền bù như thế nào, tái định cư ra sao?
“Theo tính toán từ đơn vị tư vấn, tổng kinh phí thực hiện đề án rơi vào khoảng 5.000 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ tính sơ bộ việc giải phóng mặt bằng tuyến quốc lộ 13, con số này sẽ lớn mức nào?”, ông Minh trăn trở và đề nghị chỉ nên quy hoạch đường gom ở các khu đô thị mới, còn đối với các đô thị hiện hữu, cần tính toán lại.
“Quy hoạch là nhằm tổ chức lại giao thông...”
Theo tiến sĩ Vương Tấn Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển GTVT, đơn vị tư vấn đề án, cho biết, đã tính toán kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng đề án; đồng thời cũng đã xem xét đến các yếu tố liên quan như quy hoạch đô thị Bình Dương là thành phố trực thuộc Trung ương và dự án đường cao tốc trên cao của quốc lộ 13. “Hiện tỉnh đang băn khoăn về tính khả thi của đề án nhưng đối với quy hoạch giao thông hiện đại, chúng ta phải tính toán theo thời gian di chuyển của phương tiện nhanh hay chậm.” Theo ông Đức, đoạn nào trên các tuyến quốc lộ không làm được đường gom, phía tư vấn cũng đã linh hoạt đề xuất phương án dùng dải phân cách mềm dọc theo quốc lộ, mặc dù theo quy chuẩn của Bộ GTVT không cho phép. Ông Đức nói: “Ngại mà không làm thì không ổn. Quy hoạch này nhằm tổ chức lại giao thông trên các tuyến quốc lộ nhưng cũng đồng thời là chỉnh trang lại đô thị hiện đại”.
Phía đại diện tư vấn cũng lưu ý, trước đây 15 năm, đơn vị này đề xuất làm đường sắt nội ô TP.HCM và đến nay thì TP.HCM đang triển khai. Do đó, rất cần thiết phải lập quy hoạch.
ĐÀM THANH (ghi)
Ông Lê Văn Rum, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng lo ngại tính khả thi của đề án vì vướng vào giải phóng mặt bằng. Theo ông Rum, đoạn quốc lộ 13 từ Mỹ Phước đến Thủ Dầu Một cần tính toán thay thế bằng tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn: “Đây mới là tuyến trục chính của Bình Dương sau này, khi mà sân bay và cảng biển đã được chuyển về Long Thành, Đồng Nai. Hiện nay, đoạn quốc lộ 13 nay đã gọi là đại lộ Bình Dương rồi”. Theo đó, ông Rum đề nghị nên đưa hệ thống đường gom vào tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn thì hợp lý hơn vì: “Quốc lộ đi qua địa phương có thể điều chỉnh hướng tuyến, không nhất thiết cứ phải là quốc lộ 13, đoạn này...”.Đối với quy hoạch lại các cây xăng, nhiều ý kiến cũng cho rằng khó mà thực hiện được. Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Bá Luận cho rằng: “Đưa cây xăng vào đường gom, nếu làm được thì rất tốt, rất bài bản nhưng thực hiện được hay không? Các chủ cây xăng phải di dời, mua đất mới để làm, giải phóng mặt bằng để làm đường dẫn vào cây xăng là khó khả thi”.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn lưu ý, trong khi quy hoạch đơn vị tư vấn phải xem xét đến năm 2020 Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, việc quốc lộ đi qua đô thị ngoài quy hoạch đường vành đai còn có thể điều tiết giao thông bằng hạn chế tốc độ. Mặt khác, trên tuyến quốc lộ 13 hiện đã có chủ trương xây dựng đường cao tốc trên cao, do đó vấn đề đường gom và đấu nối các nút giao thông không còn nặng nề nữa. “Nói như thế không có nghĩa là không làm quy hoạch, đơn vị tư vấn cần xem xét lại chi tiết, đoạn quốc lộ nào có thể làm đường gom thì làm, đoạn nào khó khả thi, cần xem xét linh hoạt hơn...”, ông Sơn chốt lại.
THÀNH SƠN