Dự án nhượng quyền xã hội, Blue Star: Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân
Dự án Xã hội hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) (gọi tắt là Dự án Nhượng quyền xã hội, Blue Star, Ngôi Sao Xanh) là dự án của tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam (MSIVN) và Trung tâm Sức khỏe Sinh sản Cộng đồng (VNCRH) hợp tác với khu vực y tế tư nhân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2007, nhằm hưởng ứng chủ trương xã hội hóa y tế (XHHYT). Qua đó kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là khu vực y tế tư nhân, trong công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và SKSS nói riêng cho cộng đồng, giảm tải cho các cơ sở cung cấp dịch vụ khối Nhà nước cũng như chia sẻ gánh nặng ngân sách đầu tư của quốc gia cho các hoạt động y tế.
Bắt đầu từ năm 2008, thương hiệu Blue Star, Ngôi Sao Xanh được phát triển và nhượng quyền xã hội trong các cơ sở y tế tư nhân. Qua đó, dự án đã hoạt động tuyển chọn và kết nạp các phòng khám đủ tiêu chuẩn vào mạng lưới, hỗ trợ về cơ sở vật chất, đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ cung cấp dịch vụ cả về lâm sàng và phi lâm sàng. Dự án cũng tăng cường giám sát và bảo đảm chất lượng để các phòng khám thành viên thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ SKSS-KHHGĐ chất lượng cho người dân có thu nhập ở mức trung bình và thấp.
Qua 4 năm triển khai dự án, với 300 cơ sở y tế thành viên ở 7 tỉnh, thành Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và An Giang, các phòng khám Blue Star Ngôi Sao Xanh đã phục vụ gần 1,5 triệu lượt khách hàng, cung cấp 658.000 ca dịch vụ KHHGĐ. Qua khảo sát của dự án, 92% khách hàng cho biết họ hài lòng về chất lượng dịch vụ của các phòng khám Blue Star. Các kết quả trên đã góp phần ngăn ngừa 153.000 ca mang thai ngoài ý muốn, 168 ca tử vong mẹ, 164.662 ca phá thai không an toàn.
Bác sĩ Nguyễn Bá Định, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Bạch Đằng, Bình Dương (thứ 2 từ phải qua) nhận phần thưởng của Dự án Blue Star cho các phòng khám xuất sắc
Bên cạnh việc cung ứng dịch vụ ngay tại phòng khám, để tối đa hóa việc tiếp cận tới các nhóm dân cư có nhu cầu về CSSKSS-KHHGĐ nhưng chưa được đáp ứng thỏa đáng, Blue Star đã tổ chức các hoạt động lưu động, mang dịch vụ tới tận cộng đồng có điều kiện sống khó khăn ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và triển khai chương trình hỗ trợ dựa vào đầu ra thông qua mô hình thẻ dịch vụ. Đây là việc làm có ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm xã hội của từng thành viên trong mạng lưới.
Bình Dương có 36 phòng khám đa khoa hợp tác thực hiện dự án. Và tại hội thảo sơ kết giai đoạn 1 thực hiện dự án, đã có 3 phòng khám: Bạch Đằng (TX.TDM), Thuận Phước (TX.Thuận An), Thảo Khánh (TX.Dĩ An) được trao phần thưởng là phòng khám xuất sắc.
Bác sĩ Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế, nhận định: “Đây là cơ hội để MSIVN và VNCRH hợp tác với khu vực y tế tư nhân trên quy mô lớn chưa từng có ở Việt Nam nói chung và ở Bình Dương nói riêng. Nhằm đạt tới mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ KHHGĐ an toàn cho nhóm dân cư có thu nhập thấp, theo phương châm chú trọng tới khách hàng, dịch vụ an toàn và giá cả phù hợp”.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Giám đốc Phòng khám MSIVN Bình Dương cho biết: “Dự án có những cán bộ giám sát đóng vai là khách hàng để giám sát, kiểm tra (có ghi âm, quay phim) chất lượng khám chữa bệnh, dịch vụ lâm sàng và cả tư vấn của đội ngũ nhân viên của các phòng khám. Sau đó, họ sẽ làm việc lại với các phòng khám và tùy mức độ vi phạm mà phê bình, thậm chí chấm dứt hợp tác. Nên do không biết trong số khách hàng đến với phòng khám ai là “khách hàng bí mật”, nên các phòng khám đã đối xử thật tốt với tất cả khách hàng...”.
B.ANH