Dự án lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động: Bước đi đúng đắn cho sự phát triển

Thứ năm, ngày 31/10/2013
Cùng với tốc độ phát triển các khu công nghiệp tập trung, những năm qua, Bình Dương cũng hình thành các khu đô thị đông dân cư sinh sống, vì vậy, việc bảo vệ nguồn nước sạch là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm môi trường sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh bền vững.  

 Cán bộ Trung tâm Quan trắc TN-MT kiểm tra nguồn nước dưới đất

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, Bình Dương có nguồn nước ngọt dồi dào. Cụ thể về nước mặt, Bình Dương được bao quanh bởi 3 sông chính là sông Sài Gòn, Đồng Nai và sông Bé. Các sông này có giá trị về cấp nước phục vụ hoạt động trong các lĩnh vực như vận tải, nông nghiệp, thủy sản, thủy lợi, du lịch, nhất là trong sản xuất công nghiệp. Về nước ngầm, Bình Dương có 4 tầng chứa nước chính với độ sâu phân bố từ 20m đến hơn 100m, điều kiện khai thác dễ dàng và tổng trữ lượng tiềm năng nước ngầm trên địa bàn tỉnh này là vào khoảng 2,180 triệu m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong khi cơ sở hạ tầng về cấp thoát nước chưa kịp đáp ứng đã gây ô nhiễm nguồn nước. Kết quả quan trắc nước mặt trên các sông chính như sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính cho thấy, môi trường nước mặt đang có dấu hiệu ô nhiễm các chất hữu cơ COD, BOD5 và các hợp chất của ni tơ NH4+, NO3+. Kết quả quan trắc động thái nước dưới đất từ năm 2003 đến nay ở khu vực Nam tỉnh Bình Dương cũng cho thấy, mực nước của một số tầng chứa nước liên tục bị suy giảm đặc biệt, tập trung những khu vực công nghiệp và phát triển đô thị nhanh như khu vực Sóng Thần, TX.Dĩ An; khu vực An Phú, TX.Thuận An. Mặt khác, nước dưới đất tầng nông đang có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ tại một vài nơi về các hợp chất ni tơ như NH4+, NO3+.

Phân tích hiện trạng này, một số cán bộ của Chi cục Bảo vệ môi trường, cho biết tổng lượng nước thải công nghiệp trong toàn tỉnh ước tính khoảng 124.000m3/ngày, trong đó, phần lớn nước thải trong các khu công nghiệp đã được xử lý trước khi thải ra môi trường. Để bảo vệ nguồn nước sạch, thời gian qua, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông qua đó, mỗi tổ chức cũng như người dân nâng cao nhận thức tầm quan trọng của nước sạch đối với cuộc sống, đồng thời có ý thức đối với hành động, việc làm của mình để không gây thêm sự suy thoái, cạn kiệt nguồn nước sạch quý giá mà xã hội đang sử dụng mỗi ngày. Bình Dương cũng đã tăng cường đầu tư hệ thống cấp nước cho các đô thị và khu công nghiệp. Kết quả tỷ lệ cấp nước sạch cho các đô thị hiện hữu khoảng 90%, tỷ lệ cấp nước cho các khu công nghiệp khoảng 95%, tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải và thoát nước 97%. Và quan trọng hơn là việc lắp đặt các hệ thống quan trắc nước thải tự động sau thời gian ngắn đã phát huy tác dụng, giúp cho cơ quan chức năng kiểm soát liên tục chất lượng nước thải tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp có số lượng nước thải lớn với khối lượng lên đến 89.000m3/ngày đêm, chiếm 55,6% tổng khối lượng nước thải công nghiệp trên toàn tỉnh.

Hiện giai đoạn 2 của Dự án lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động ở Bình Dương đang thi công và sau khi hoàn thành, khối lượng nước thải được kiểm soát sẽlên đến 170.000m3/ngày đêm, chiếm khoảng 70% tổng khối lượng nước thải toàn tỉnh. Khi đó, 52 điểm có nước thải công nghiệp được hệ thống giám sát ngày đêm. Như vậy, về mặt quản lý Nhà nước, một lượng lớn nước thải công nghiệp sẽđược quản lý chặt chẽ, giúp cho Sở Tài nguyên - Môi trường có những kế hoạch mang tính chiến lược nhằm bảo vệ môi trường bền vững hơn cho tương lai. Được biết, tổng số tiền đầu tư cho lắp đặt các trạm quan trắc nước thải tự động ở Bình Dương là trên 64 tỷ đồng, với một địa phương có 28 khu công nghiệp và diện tích các khu công nghiệp gần như được lấp đầy, có thể khẳng định, chủ trương giám sát, bảo vệ nguồn nước tại các khu công nghiệp của tỉnh là một bước đi đúng đắn cho sự phát triển bền vững.

• HOÀNG ÁI