Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Còn băn khoăn về hiệu quả
Chiều 21-5, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhìn chung, các ý kiến đều thống nhất về chủ trương đầu tư dự án nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn trong việc giải các bài toán nguồn vốn, phương án huy động vốn, hình thức đầu tư..., đặc biệt là hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án.
Giải bài toán vốn đầu tư
"Con cháu chúng ta sẽ trả gánh nợ này như thế nào, khi mà nợ quốc gia đang dần tiệm cận đến sát ngưỡng an toàn?," đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt vấn đề này. Đây cũng là nỗi băn khoăn của nhiều đại biểu tại buổi thảo luận ở tổ.
Ảnh minh họa.
Từ băn khoăn này, đại biểu các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam, Cần Thơ, Hưng Yên, Hà Tĩnh và Thành phố Hà Nội kiến nghị phải làm rõ vấn đề tài chính và các Ủy ban Kinh tế, Tài chính-Ngân sách phải vào cuộc sâu hơn để thẩm tra các nội dung liên quan đến tài chính cho dự án.
Một số đại biểu đề nghị Chính phủ giải trình về nguồn vốn và hình thức huy động vốn. Gần 56 tỷ USD cho 1.570km, suất đầu tư 35,54 triệu USD/km là rất lớn (và có thể còn phát sinh thêm) nhưng thời gian đầu tư, thu hồi vốn lại quá dài, lên đến 45 năm thì hiệu quả tài chính là quá thấp.
“Tổng mức đầu tư và phương án huy động vốn đều phải xem lại. Tôi không đồng tình sử dụng vốn vay ODA vì đây sẽ là gánh nặng với ngân sách đất nước, nếu ta tiếp tục vay thì rất nặng nợ. Chuyển sang hình thức đầu tư PPP là phù hợp nhất. Muốn vậy, Quốc hội phải xem xét ban hành Luật đầu tư PPP để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Nếu giải quyết được bài toán này, thời gian thu hồi vốn chắc chắn sẽ được rút ngắn, đem lại hiệu quả tài chính cao hơn," đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) nói.
Cùng chung nhận định cần phải đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, coi đó là đầu tư cho tương lai, nhưng các đại biểu Hà Văn Hiền (Hà Nội), Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh) lại lo lắng nếu sử dụng nguồn vốn ODA sẽ ảnh hưởng đến lượng vốn cho các mục tiêu khác.
Các đại biểu kiến nghị nguồn vốn cho dự án phải được tính trong tổng thể chung về tài chính của tất cả các dự án đã được Quốc hội thông qua và trong tổng thể đầu tư cho xây dựng các công trình giao thông.
Cùng với việc đầu tư đường sắt cao tốc, phải quan tâm tới các công trình giao thông đường bộ, đặc biệt là giao thông nông thôn và tính đến hiệu quả của một số dự án đã được Chính phủ phê duyệt phương án.
Không nên lấy số km để xác định hướng tuyến
Ý kiến này được nhiều đại biểu đồng tình. Hướng tuyến cần tính trong tổng thể, kết nối với các khu đô thị, khu du lịch và khu công nghiệp để có hiệu quả cao nhất.
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng dự án mới dừng ở mức quy hoạch tổng thể giao thông chứ chưa quy hoạch liên hoàn với các khu khác. Do vậy, cần có quy hoạch tổng thể, có sự kết hợp giữa mạng lưới giao thông đường bộ-đường thủy-đường sắt và khu phụ trợ ăn theo liên hoàn với các khu công nghiệp, khu dân cư.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) nhìn nhận nên nghiên cứu xây dựng nhiều cầu cạn dù kinh phí có thể cao nhưng “ít động chạm” hơn, ưu việt hơn (mất đất nông nghiệp, giải phóng mặt bằng, di chuyển dân cư), lại tránh được ngập lụt. Bên cạnh đó vẫn áp dụng được công nghệ xây dựng hiện đại, thời gian xây dựng nhanh.
Các đại biểu thống nhất cho rằng nên phân kỳ đầu tư theo phương án giai đoạn đến 2020 đưa vào khai thác đoạn từ Hà Nội-Vinh và đoạn Nha Trang-Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi vận hành hai tuyến này sẽ đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm rồi mới triển khai tiếp, như vậy cũng giảm gánh nặng về tài chính quốc gia.
Nhiều đại biểu cũng đề xuất nên cân nhắc thời gian triển khai, thực hiện dự án. Với khối lượng công việc lớn và những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, huy động vốn, đào tạo nhân lực... thì khó có thể khởi công vào năm 2012 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2020.
Đánh giá kỹ các tác động về mặt tự nhiên, xã hội
Bên cạnh vấn đề nguồn vốn, hầu hết các đại biểu đều có chung mối lo về những tác động của dự án đối với kinh tế, xã hội, môi trường.
Các đại biểu Chu Sơn Hà, Đặng Huyền Thái, Hà Văn Hiền, Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), Hà Thanh Toàn (Cần Thơ), Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh)… đề xuất làm rõ bối cảnh hệ thống giao thông hiện có, xác định nhu cầu vận tải để tính hướng giải quyết thì đầu tư mới có tính thuyết phục. Cùng với đó, tính kỹ đến các vấn đề định canh, định cư, an ninh lương thực, an ninh quốc phòng, đánh giá tác động xã hội của dự án...
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) khẳng định dự án chưa có sự đánh giá một cách nghiêm túc, phân tích kỹ lưỡng việc tác động môi trường đối với các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng quốc gia, di tích lịch sử văn hóa và an ninh quốc phòng.
Chung nhận định này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà chỉ rõ ảnh hưởng của dự án đến các địa phương, đến môi trường, an ninh quốc phòng, an toàn giao thông là không nhỏ. Song, trong tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ mới có 10 ý kiến của Hội đồng Nhân dân và 17 ý kiến của Ủy ban Nhân dân trong số 21 tỉnh có dự án đi qua.
Các đại biểu cho rằng tại kỳ họp này, Quốc hội chỉ nên thông qua chủ trương dự án tiền khả thi. Kỳ họp sau cần có sự vào cuộc sâu hơn của các ủy ban trong việc thẩm định dự án khả thi và lấy thêm ý kiến của nhân dân, của các nhà khoa học, nhất là những nơi chịu ảnh hưởng lớn của dự án.
(THEO TTXVN)