Dự án đường Bạch Đằng nối dài: Sẽ sớm hoàn chỉnh pháp lý về đánh giá tác động môi trường

Thứ tư, ngày 27/03/2019

(BDO) Dự án đường Bạch Đằng nối dài (TP.Thủ Dầu Một) là dự án lớn, trọng điểm của tỉnh. Dự án đã được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục, được các sở, ngành của tỉnh thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt dự án theo đúng quy định. Theo đánh giá tác động môi trường của dự án, khi dự án được thi công và đi vào hoạt động, tác động môi trường là không lớn và có thể khống chế được. Hiện chủ đầu tư dự án đang đẩy nhanh hoàn chỉnh pháp lý về đánh giá tác động môi trường. 

Góp phần chỉnh trang đô thị

Hiện nhà thầu Dự án đường Bạch Đằng nối dài đang triển khai thi công công trình theo đúng hồ sơ được duyệt. Đến nay, nhà thầu đã thi công xong phần cừ ván bê tông cốt thép dự ứng lực, đang tiếp tục triển khai thi công phần cọc đóng. Dự án hiện đã thực hiện được 45% tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Đây là dự án trục cảnh quan đô thị dọc bờ sông Sài Gòn, với mục tiêu đầu tư phục vụ công ích, công cộng, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường sống, tạo cảnh quan và góp phần chỉnh trang đô thị cho TP.Thủ Dầu Một. Việc gia cố bờ sông bằng tường cừ bê tông dự ứng lực là để xây dựng con đường có hoa viên, cây xanh nhằm tạo điểm nhấn cho diện mạo thành phố được khang trang và tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân trong khu vực, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đường giao thông trên địa bàn. Mặt khác, do vị trí địa lý khu vực thực hiện dự án ven sông Sài Gòn đoạn qua TP.Thủ Dầu Một thuộc bên lở của dòng sông Sài Gòn nên việc gia cố bờ sông bằng tường cừ bê tông dự ứng lực nhằm chống sạt lở bờ sông.

Nhà thầu đang thi công dự án. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Ông Trần Thanh Tùng, người dân tổ 96, khu phố 14, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Tôi nhận thấy Dự án đường Bạch Đằng nối dài đang được thành phố triển khai thưc hiện sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ làm cho thành phố khang trang, sạch đẹp hơn. Đồng thời, dự án sẽ góp phần từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đường giao thông trong khu vực TP.Thủ Dầu Một, tạo thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn. Tôi tin rằng, sau khi dự án này hoàn thành và đưa vào sử dụng, khu vực này sẽ thu hút rất đông người dân đến vui chơi, giải trí, tập thể dục vào mỗi buổi sáng”.Còn ông Đoàn Văn Nhanh, Trưởng Ban điều hành khu phố 14, phường Phú Cường, thì phấn khởi: “UBND TP.Thủ Dầu Một đầu tư xây dựng thực hiện dự án này cũng nhằm phục vụ công ích, công cộng, tạo cảnh quan công viên và điểm nhấn thu hút khách du lịch, chỉnh trang diện mạo đô thị để TP.Thủ Dầu Một ngày càng văn minh, hiện đại”.

Bảo đảm môi trường

Dự án đường Bạch Đằng nối dài được Sở Tài nguyên và Môi trường góp ý theo chuyên ngành dự án đường Bạch Đằng nối dài tại Công văn số 2309/STNMT-ĐĐ ngày 16- 9-2010. Theo công văn này, UBND TX.Thủ Dầu Một (nay là TP.Thủ Dầu Một) dự kiến đầu tư đường Bạch Đằng nối dài (phường Phú Cường) với chiều dài tuyến khoảng 731,3m, bề rộng mặt đường là 7,5m x 2 bên, bề rộng hè đường bên phải là 4m, bề rộng hè đường bên trái là 15m… nên các tác động đến môi trường khi dự án được thi công và đi vào hoạt động là không lớn và có thể khống chế được. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất với các nội dung của dự án; đồng thời đề nghị chủ đầu tư phải lập cam kết bảo vệ môi trường trước khi khởi công và gửi về UBND thị xã để được xem xét, thẩm định theo đúng quy định. Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chủ trì tổ chức thẩm định có báo cáo số 127/BC-SKHĐT ngày 9-5-2011 về việc báo cáo thẩm định dự án đầu tư để trình UBND tỉnh phê duyệt dự án.

Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án TP.Thủ Dầu Một, cho biết: Ngày 28- 2-2019, UBND TP.Thủ Dầu Một đã có cuộc họp với các sở, ngành để lấy ý kiến về dự án. Theo đó, các ngành thống nhất với các nội dung trong Hồ sơ Dự án đường Bạch Đằng nối dài. Tuy nhiên, tại chương 14: các biện pháp phòng chống cháy nổ và đánh giá tác động môi trường có đề cập đến vấn đề đánh giá tác động môi trường, nhưng còn ở mức độ sơ bộ. Do khó khăn về nguốn vốn đầu tư, năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án nhưng đến năm 2017 UBND tỉnh mới cân đối bố trí vốn theo quy định để khởi công xây dựng công trình. Thời gian thực hiện dự án kéo dài, cùng với sự thay đổi về mặt nhân sự của Ban Quản lý dự án thành phố nên việc bàn giao, tiếp nhận hồ sơ dự án còn hạn chế, Ban Quản lý dự án chưa nắm bắt được hết các thông tin cần thiết về dự án để tiếp tục thực hiện. Ban Quản lý dự án nhận thấy rằng phần đánh giá tác động môi trường trong hồ sơ dự án đã thể hiện là phù hợp quy định.

Ông Trung cho biết thêm, để hoàn chỉnh pháp lý về việc đánh giá tác động môi trường đối với dự án trên, UBND TP.Thủ Dầu Một đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án thực hiện rà soát lại toàn bộ hồ sơ toàn dự án. Đồng thời, Ban Quản lý cũng nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường để hoàn tất các thủ tục theo quy định.

 Trong hồ sơ Dự án đường Bạch Đằng nối dài đã được duyệt, tại Chương 14: Các biện pháp phòng chống cháy nổ và đánh giá tác động môi trường, đã được thể hiện trong phần thuyết minh dự án đầu tư, gồm:

Về tác động tới môi trường dạng vật lý: Tác động này không có ảnh hưởng về thoát nước lũ, gây xói mòn đến môi trường xung quanh trong khu vực xây dựng. Trong thời gian thi công đào đắp nền đường mở rộng, môi trường bị ảnh hưởng do bụi đất gây ra ô nhiễm không khí. Biện pháp xử lý các vị trí này được hạn chế bằng cách tưới nước làm giảm lượng bụi do thi công nền đường gây ra, các phương tiện chở vật liệu rời phục vụ thi công cần phải được đậy kín.

Về tác động tới môi trường dạng sinh thái: Không ảnh hưởng gì về việc định cư lại cũng như hệ sinh thái và tài nguyên. Tác động tới tài nguyên do con người tạo lập và sử dụng; không ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của nhân dân cũng như thu hẹp đất đai trồng trọt nằm ngoài phạm vi giải tỏa.

Dự án có ít nhiều tác động đối với cuộc sống của con người như gây tiếng ồn và bụi bẩn trong quá trình thi công. Tuy nhiên, khi xây dựng tuyến đường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn về vấn đề thoát nước, bảo vệ tốt hơn hoa màu, ruộng lúa nằm trong lưu vực khi có đỉnh lũ. Trong thời gian thi công, dòng chảy vẫn được giữ nguyên theo hiện trạng nên không ảnh hưởng đến ruộng lúa, hoa màu trong lưu vực.

Ngoài ra, ở giai đoạn xây dựng, các yếu tố môi trường sẽ bị ảnh hưởng nhưng chỉ có tính chất tạm thời như: Tiếng ồn và độ rung do sử dụng các máy thi công; phát sinh bụi khi nắng, bùn lầy khi mưa; các rủi ro do tai nạn giao thông; chiếm giữ tạm thời các khu đất trống cho công việc xây dựng.

 

PHƯƠNG LÊ