Dự án động lực, khai phá tiềm năng
Nằm trong sự kiện công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương tổ chức lễ khởi công dự án khu phức hợp vòng xoay A1 (WTC Gateway) tại Thành phố mới Bình Dương và dự án Khu công nghiệp (KCN) Cây Trường tại huyện Bàu Bàng.
“Cú hích” thương mại - dịch vụ
Dự án khu phức hợp vòng xoay A1 do Tổng Công ty Becamex IDC triển khai được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn đô thị đầu tiên theo mô hình giao thông TOD (định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị) tại Bình Dương. Với tổng diện tích khoảng 7 ha, khu vực này sẽ bao gồm một nhà ga trung tâm kết nối với TP.Thủ Đức và tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên của TP.Hồ Chí Minh.
Dự án khu phức hợp vòng xoay A1 đã sẵn sàng cho lễ khởi công
Ông Giang Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết đây là khu phức hợp đa chức năng, gồm văn hóa, thương mại, dịch vụ, nhà thi đấu đa năng, nhà ga trung tâm... Điểm nhấn của dự án là quảng trường có sức chứa đến 10.000 người; nhà thi đấu, biểu diễn nghệ thuật trong nhà có sức chứa 4.000 người. Nhà ga metro sẽ được xây dựng tại Trung tâm thương mại - dịch vụ vòng xoay A1, kết nối tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Nhà ga metro rộng 5.800m2 nằm dưới Trung tâm thương mại - dịch vụ vòng xoay A1.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt khu vực phát triển dọc đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh thuộc địa bàn TP.Bến Cát là khu đô thị cảng - logistics - dịch vụ quy mô khoảng 2.702,73 ha tại các địa phương An Tây, An Điền và Phú An. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án đầu tư cảng sông An Tây với diện tích 100 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng. |
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (trường Đại học Việt Đức), cho rằng việc phát triển metro đi liên vùng là nguyên tắc để các đô thị phát triển một cách cân bằng, bền vững và lâu dài. Tại vùng Đông Nam bộ, hành lang phát triển mạnh nhất là TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thúc đẩy logistics
Để ngành logistics phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, Bình Dương đang đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, nâng cấp các cảng thủy nội địa, đường sắt, hệ thống kho, bãi… Tất cả các công trình này được quy hoạch xây dựng, phát triển hợp lý, có khả năng kết nối với các cảng biển, cảng sông, nhà ga, sân bay quốc tế trong khu vực nhằm bảo đảm cho sự luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics được thuận lợi, nhanh chóng, giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Chủ tịch Viện nghiên cứu logistics Việt Nam, khẳng định với lợi thế về vị trí chiến lược, có thế mạnh về phát triển công nghiệp cùng với kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, khu/ cụm công nghiệp được quy hoạch phát triển đồng bộ, Bình Dương hoàn toàn có đủ điều kiện để phát triển trở thành trung tâm dịch vụ, hỗ trợ công nghiệp và khoa học - công nghệ của vùng Đông Nam bộ và khu vực phía Nam. Trong đó, ngành logistics có đủ tiềm năng nội tại để trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, để khai thác tối đa những lợi thế của tỉnh trong phát triển ngành logistics, Bình Dương đang bám sát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, với quy hoạch phát triển ngành logistics của cả nước. Bên cạnh đó, Bình Dương đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút các doanh nghiệp có năng lực về hoạt động logistics đến đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics đã được UBND tỉnh quy hoạch.
Dự án Khu công nghiệp Cây Trường được xây dựng tiếp tục tạo mặt bằng sạch thu hút nhà đầu tư chất lượng
Hấp dẫn nhà đầu tư
KCN Cây Trường do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 5.459 tỷ đồng. Đây là dự án được chờ đợi ở Bình Dương trong những năm qua, nhằm tiếp tục tạo mặt bằng sạch thu hút nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy; bên cạnh đó tạo hạ tầng đón nhà máy di dời phía Nam Bình Dương đến hoạt động. Trước đó, dự án KCN Cây Trường, tại thị trấn Lai Uyên và xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng được HĐND tỉnh thông qua đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2.000 vào tháng 11-2023. Dự án này có quy mô lên tới 700 ha và dự kiến tạo việc làm cho 35.000 lao động, tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
KCN Cây Trường được xác định là KCN tập trung, đa ngành với các loại hình công nghiệp thu hút dự án đầu tư có các ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. KCN này xây dựng thuận lợi hơn khi mặt bằng đã được giải phóng xong. Đặc biệt, tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng với 10 làn xe chạy qua KCN Cây Trường được khánh thành ngày 23-9 vừa qua tạo động lực lớn thu hút đầu tư vào KCN này...
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết trong giai đoạn mới, Bình Dương định vị một phân khúc mới, đó là phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong các KCN là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của tỉnh. Hiện Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN theo quy hoạch; nghiên cứu hình thành KCN khoa học - công nghệ; tiếp tục lộ trình chuyển đổi công năng, di dời doanh nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Bình Dương nghiên cứu các phương án nâng cấp, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN đổi mới sáng tạo, KCN - đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện nay, tuyến metro từ TP.Hồ Chí Minh về Bình Dương đang được các cơ quan chức năng Việt Nam và Nhật Bản nghiên cứu, dự kiến điểm cuối sẽ kết nối với nhà ga tại vòng xoay A1. Tuyến metro này dự kiến được chia làm hai nhánh: Một nhánh chạy đến Bình Dương được xây trên cao, từ ga S0 (TP.Hồ Chí Minh) đi qua nút giao Bình Chuẩn (TP.Thuận An) đến Khu liên hợp Công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương; nhánh còn lại dài 18,3km đi trên cao đến Đồng Nai, qua các điểm như ngã ba Vũng Tàu, Chợ Sặt, khu vực xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom. |
TIỂU MY - NGỌC THANH