Dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em: Góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em
(BDO) Dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em đã được ngành y tế triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của dự án, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện nhiều giải pháp can thiệp nhằm góp phần giảm tỷ lệ thấp còi và nâng cao tầm vóc trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới...
Bác sĩ tư vấn sức khỏe cho trẻ tại Phòng khám đa khoa phường Thuận Giao (TX.Thuận An)
Đẩy mạnh truyền thông
Bác sĩ Võ Nguyên Diễm Thy, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, cho biết mục tiêu của chương trình cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em nhằm giảm tỷ lệ thấp còi và nâng cao tầm vóc, thể lực của người Việt Nam. Năm 2019, chương trình đề ra mục tiêu cụ thể, sẽ giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 0,1%, giảm suy sinh dưỡng thấp còi 0,3% so với năm trước, kiểm soát tỷ lệ thừa cân - béo phì dưới 13% và giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2.500g dưới 5%.
Để đạt được những mục tiêu dự án đề ra cũng như đẩy mạnh dự án, ngay từ đầu năm, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đã triển khai kế hoạch đến các cơ sở y tế và các ban ngành, đoàn thể liên quan để cùng phối hợp thực hiện. Trong các giải pháp, hoạt động truyền thông giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Bác sĩ Thy, cho biết thêm công tác truyền thông được phối hợp liên ngành để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý cho người dân. “Trong công tác truyền thông, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường truyền thông trực tiếp cho phụ nữ mang thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi nhất là đối tượng công nhân trong các khu nhà trọ...”, bác sĩ Thy nói. Bên cạnh đó, tại các địa phương trọng điểm còn tổ chức các lớp nâng cao kiến thức dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ có con nhỏ tại các buổi khám thai, tiêm ngừa tại trạm y tế.
Thực hiện nhiều giải pháp
Nâng cao năng lực mạng lưới thực hiện chương trình ở cơ sở cũng là vấn đề được quan tâm rất nhiều của dự án, đặc biệt là trong công tác quản lý và triển khai chương trình. Ngành y tế đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên trách dinh dưỡng ở tuyến huyện, xã và mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh. Công tác đào tạo, nâng cao kiến thức không chỉ chú trọng vào xây dựng mạng lưới dinh dưỡng cộng đồng, mà còn chú trọng nâng cao năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ tham gia điều trị dinh dưỡng trong toàn tỉnh.
Theo bác sĩ Thy, trong các giải pháp góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, cần chú ý tăng năng lượng ăn vào cho trẻ, tập trung trong thời kỳ mang thai và 2 năm đầu đời. Điều quan trọng ở đây chính là chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai để người mẹ đẻ ra những đứa trẻ đủ tháng, không có những đứa trẻ có bệnh lý và suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ; đẩy mạnh nuôi con bằng sữa mẹ, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 2 tuổi và hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con nhỏ tại các địa phương.
Cùng với việc hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, các bậc cha mẹ cũng cần theo dõi tăng trưởng của trẻ thường xuyên (hàng tháng đối với trẻ suy dinh dưỡng, hàng quý với trẻ dưới 2 tuổi và 6 tháng một lần với trẻ dưới 5 tuổi). Cần bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng nguy cơ cao, đó là: Trẻ 6 đến 36 tháng tuổi, phụ nữ một tháng đầu trong thời kỳ mang thai...
CẨM LÝ