Dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em giai đoạn 2011-2015": Góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi

Thứ sáu, ngày 23/09/2016

(BDO) Thực hiện Dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng (CTTTDD) trẻ em giai đoạn 2011-2015, trong 5 năm qua, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhiều mục tiêu của kế hoạch thực hiện đề án của tỉnh đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Các hoạt động của Dự án CTTTDD trẻ em trong những năm qua đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em dưới 5 tuổi, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ người dân...

Các hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi luôn được quan tâm thực hiện

Dự án CTTTDD trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh giai đoạn 2011- 2015 đặt ra mục tiêu chung đến năm 2015 là CTTTDD trẻ em về cân nặng và chiều cao, giảm tỷ lệ tử vong do SDD cấp. Kiểm soát và chống thừa cân béo phì, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em và phụ nữ có thai, góp phần nâng cao tầm vóc người Việt Nam. Mục tiêu cụ thể: Giảm tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân xuống dưới 10,2% vào năm 2015; giảm tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi xuống dưới 22% vào năm 2015. Chỉ tiêu giảm SDD trẻ em dưới 5 tuổi được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh. Điều đó cho thấy, dự án CTTTDD trẻ em luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm giải quyết các vấn đề dinh dưỡng mới nảy sinh, tiếp tục cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân tỉnh nhà.

Để đạt được mục tiêu đề ra, các hoạt động của dự án đã được triển khai đồng bộ, đầy đủ với nhiều giải pháp. Trong đó, công tác truyền thông giáo dục về dinh dưỡng nhằm phổ biến kiến thức thực hành dinh dưỡng hợp lý cho cộng đồng dân cư được xem là giải pháp hàng đầu. Bác sĩ Đào Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) tỉnh cho biết, nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý cho người dân, dự án đã thực hiện truyền thông giáo dục dinh dưỡng trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo chí cũng như phát thanh trên hệ thống loa đài các xã, phường, thị trấn. Nội dung truyền thông tập trung vào các hoạt động dinh dưỡng của dự án CTTTDD trẻ em, những bài viết về kiến thức dinh dưỡng cho trẻ em, kiến thức dinh dưỡng cho phụ nữ có thai. Hoạt động truyền thông còn được đẩy mạnh thông qua các chiến dịch truyền thông giáo dục được tổ chức hàng năm như Ngày Vi chất dinh dưỡng, Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển, tổ chức Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ bằng hình thức xe hoa cổ động và treo băng rôn các cơ sở y tế. Đặc biệt, hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng trực tiếp tại cộng đồng là một trong những nội dung quan trọng của dự án CTTTDD trẻ em. “Với mục tiêu nâng cao kiến thức và thay đổi hành vi dinh dưỡng ngày càng tốt hơn của người dân, tất cả huyện, thị và các xã trọng điểm đã tổ chức các lớp nâng cao kiến thức dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ có con nhỏ tại các buổi khám thai, các buổi tiêm ngừa tại trạm y tế. Song song đó, Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh còn tổ chức các lớp nâng cao kiến thức dinh dưỡng kết hợp với thực hành dinh dưỡng cho đối tượng công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh”, bác sĩ Phượng cho biết thêm.

Cùng với hoạt động truyền thông, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng mạng lưới cũng được ngành y tế đặc biệt chú ý. Đây chính là mấu chốt để triển khai thực hiện thành công dự án ở cơ sở. Trong giai đoạn 2011- 2015, trước xu hướng thừa cân béo phì trẻ em dưới 5 tuổi tăng nhanh, ngành y tế đã chủ động đẩy mạnh công tác huấn luyện, đào tạo để phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn dinh dưỡng cả 2 mảng dự phòng và điều trị. Tổ chức đào tạo huấn luyện cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện chuyên sâu về dinh dưỡng; tổ chức các khóa tập huấn “Dinh dưỡng hợp lý - Dinh dưỡng trong điều trị bệnh béo phì và các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng” cho mạng lưới cán bộ dinh dưỡng trong toàn tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh còn tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng mạng lưới hàng năm cho các thành viên Ban chỉ đạo huyện, cán bộ chuyên trách dinh dưỡng huyện thị và 91 xã, phường...

Những thành tựu đạt được trong 5 năm qua rất đáng ghi nhận, tuy nhiên tỉnh Bình Dương hiện đang gặp những thách thức lớn về dinh dưỡng, đó là tình trạng thừa cân - béo phì và một số bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang có xu hướng gia tăng nhanh. Các thách thức trong bối cảnh mới tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực cao trong hành động của Đảng, chính quyền và các ban ngành của tỉnh, hướng tới dinh dưỡng hợp lý và tăng cường sức khỏe cho cộng đồng, đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em nhằm góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân trong thời gian tới.

 “Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ và được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của ngành y tế, sự tham gia tích cực của các ban ngành và toàn xã hội, trong 5 năm qua, dự án CTTTDD trẻ em của tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ SDD đã giảm liên tục bền vững và thấp thứ 6 trong cả nước. Tỷ lệ SDD cân nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 11,1% vào năm 2011 xuống còn 8,5% vào năm 2015 và định hướng giảm còn dưới 8% vào năm 2020; tỷ lệ SDD thể thấp còi giảm từ 24,6% năm 2011 xuống còn 21,4% vào năm 2015 và định hướng giảm còn dưới 20% vào năm 2020”.

(Bác sĩ Đào Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh)

 

 HỒNG THUẬN