Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương: Rút kinh nghiệm để làm tốt hơn

Thứ hai, ngày 23/07/2012

Từ những ý kiến bức xúc của người dân trong quá trình thi công dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, lãnh đạo các cơ quan chức năng đã có buổi làm việc với đơn vị chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương (Biwase) và phân tích, mổ xẻ khá cụ thể các ý kiến người dân nêu. Để dự án nhanh chóng hoàn thành, đáp ứng nguyện vọng của đại đa số người dân, tại cuộc làm việc đã có nhiều ý kiến góp ý cho đơn vị chủ đầu tư...

 Thi công lắp đặt hệ thống tuyến ống trên đường Nguyễn Tri Phương Nói thẳng, không né tránh

Đại biểu Nguyễn Thành Tài, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết đối với dự án này hiện người dân quan tâm 5 vấn đề, bao gồm: Việc hoàn trả lại mặt đường với độ dày 5cm thảm nhựa trên toàn bộ mặt đường hay chỉ trên phần đường bị đào; thứ 2 việc hoàn trả mặt đường có được thực hiện cho các đường hẻm; thứ 3 khả năng thu gom nước thải bẩn của dự án liệu có khả thi; thứ 4 công nghệ xử lý nước thải tại nhà máy tập trung sử dụng công nghệ kín hay hở, có an toàn với các khu vực dân cư kế cận; thứ 5 là cơ chế tài chính và cơ chế đấu nối như thế nào, phần người dân đóng góp là bao nhiêu. “Về trạm bơm, tôi băn khoăn nhất là các trạm đều nằm trên tuyến đường ven sông Sài Gòn. Trong khi tuyến đường này hiện đang được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, bởi đây là tuyến đường ven sông, bên cạnh việc thiết kế xây dựng để lưu thông còn nhằm tạo mỹ quan đô thị. Nơi đây có quy hoạch chỗ hóng mát cho người dân, nhưng nếu các trạm bơm này bốc mùi thì còn gì là cảnh quan...”, ông Tài nói.

Hiện nay, khối lượng tuyến ống của dự án hoàn thành đạt 11.270m, chiếm 67,3% của tổng khối lượng tuyến ống. Việc hoàn trả mặt đường sẽ được chia làm 2 đợt, trong đó đợt 1 là hoàn trả tạm phần đường bị đào và đợt 2 là hoàn trả lớp nhựa nóng phủ toàn bộ mặt đường. Để bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông, Công ty Biwase đã chỉ đạo đơn vị thi công thảm nhựa có tạo độ dốc trong thời gian chờ lún. Về giải ngân vốn đối ứng của dự án đạt 34,17%, vốn ODA đạt 49,64%.

Đại biểu Đoàn Ngọc Như Tâm nói thẳng, người dân còn rất băn khoăn về dự án này, nhưng những tờ rơi của công ty phát ra lại không có những vấn đề mà họ quan tâm. Điều người dân quan tâm ở đây là khi nào thì tái lập hoàn chỉnh mặt đường? Hiện tại, độ chênh lệch giữa hố ga và mặt đường là bao nhiêu và liệu có an toàn đối với các phương tiện tham gia giao thông hay không? Đại diện phường Phú Cường cũng nêu rõ, địa chất của khu vực này rất yếu nên khi thi công dự án đã ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của dân. Cụ thể, có 16 căn nhà ở khu vực đường Ngô Quyền, Bạch Đằng và 4 căn ở đường Nguyễn Tri Phương bị ảnh hưởng. Vì thế, chủ đầu tư cần chỉ đạo đơn vị thi công đến sửa chữa ngay. Bên cạnh đó, trong khi thi công, đất cát khi gặp mưa đã chảy xuống hố ga mà không được nạo vét gây ách tắc dòng chảy, dẫn đến ngập úng. Đại diện phường Chánh Nghĩa cũng bức xúc cho biết, các mặt đường và vỉa hè của đường Nguyễn Tri Phương, Bàu Bàng... hư hỏng hết, các hố ga lại cao hơn mặt đường nên không thu nước được. Trên địa bàn phường có tới 19 vụ ảnh hưởng nhưng chỉ mới khắc phục được 5 vụ. Toàn bộ khu vực tổ 26 đều bị ngập úng mỗi khi trời mưa xuống, nhà thì lún nứt làm sao ngươi dân không kêu được! Đại diện phường Hiệp Thành cũng phản ánh, đơn vị chủ đầu tư cho biết có thông báo gửi đến địa phương nhưng chúng tôi không hề nhận được. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trước đây do người dân và Nhà nước cùng góp vốn để làm nay bị đào lên hư hỏng hết, trong khi đó chỉ lấp lại phần diện tích bị đào còn những phần đường hư hỏng do ảnh hưởng của dự án lại không được tái lập.

Theo ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Thủ Dầu Một, dự án thi công thiếu sự phối hợp đồng bộ nên một số tuyến đường của thành phố đã được đầu tư xây dựng mới, vừa làm xong nay lại phải đào lên gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân. Ông Vinh đặt vấn đề ai sẽ chịu trách nhiệm bảo trì đường sau khi hết 12 tháng bảo hành của nhà đầu tư; việc hở hàm ếch trong lòng đất có được kiểm tra kỹ trước khi tái lập mặt đường; thái độ của đơn vị thi công cũng không tốt, bất cần ý kiến đóng góp của cử tri. Có đại biểu cũng chỉ ra rằng, hiện nay xung quanh các hố ga ở các đường hẻm đều bị hỏng chân do không thi công đúng kỹ thuật, chẳng hạn như hẻm 84, đường Huỳnh Văn Lũy là một điển hình...

Nghiêm túc rút kinh nghiệm

Theo ông Lê Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đây là dự án quan trọng không thể không có nếu muốn phát triển một đô thị văn minh, hiện đại. So với các dự án khác và ở những địa phương khác thì chưa đến nỗi trầm trọng và Bình Dương làm tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền và phối hợp chưa cao, chưa hiệu quả, thi công khu vực đất yếu còn phát sinh một số bất cập, còn phần hoàn trả mặt đường ở những con hẻm lại không có... Do đó, đơn vị chủ đầu tư cần lắng nghe ý kiến giám sát của cử tri và rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn ở các hạng mục khác. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định rằng, qua dự án này cho thấy đây là một bài học lớn, việc phối hợp chưa tốt đã gây lãng phí không đáng có. Vì thế, chủ đầu tư cần phải có giải pháp thích hợp hơn cho những gói thầu tới.

Ghi nhận các ý kiến phản ánh và đóng góp của đại biểu, chính quyền địa phương và sở ngành, ông Nguyễn Văn Thiền, Tổng Giám đốc Biwase, cho biết sẽ chấn chỉnh ngay công tác quản lý cũng như phối hợp tuyên truyền. Những ý kiến đóng góp và phản ánh của người dân đã lột tả nhiều vấn đề cần phải rút kinh nghiệm, từ đó sẽ có những giải pháp tốt hơn trong quá trình triển khai thi công các hạng mục và gói thầu khác. Ông Thiền cũng cho biết, trước khi phủ nhựa nóng toàn bộ mặt đường 5cm thì phải nâng hố ga bưu điện lên để tránh phải đào thêm một lần nữa. “Về công nhân lao động nếu có thái độ không đúng với nhân dân thì sẽ bị xử lý ngay, vừa rồi chúng tôi cũng đã cho thôi việc một nhóm tại khu vực trạm bơm gần Bệnh viện Phụ sản cũng vì lý do trên và tới đây chúng tôi sẽ làm tiếp. Chúng tôi cũng yêu cầu nhà thầu huy động thêm đội ngũ giám sát của Nhật Bản cùng với giám sát trong nước để quản lý chặt chẽ hơn trong thi công. Sẽ phối hợp tốt hơn với Phòng Quản lý đô thị TP.Thủ Dầu Một và chính quyền địa phương để khắc phục những điểm đã được cử tri phản ánh. Bà con phản ánh đúng rồi, nhưng cũng cho chủ đầu tư thời gian để thương lượng cho phù hợp với việc đền bù thiệt hại...”, ông Thiền nói.

* Phó Chủ tịch HĐND tỉnh TRẦN THỊ KIM VÂN: Cần có giải pháp bổ sung để khắc phục tồn tại, phát sinh

Công ty Biwase đã có nhiều cố gắng để triển khai dự án và hiện tiến độ cũng đạt yêu cầu, giải ngân tốt, tuy nhiên phần trạm bơm có chậm do phải giải tỏa đền bù. Việc tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan chức năng của chủ đầu tư là chưa tốt; tờ rơi về dự án được in nhiều, trình bày đẹp nhưng lại thiếu thông tin người dân cần. Đây là dự án quan trọng, lại thi công trong đô thị cũ có nền địa chất yếu nên gặp khó khăn là không tránh khỏi. Vì thế, Công ty Biwase cần có những giải pháp bổ sung để khắc phục những tồn tại, nhất là tuyến đường ống cấp 3 nằm trong các con hẻm; đồng thời phải bố trí giám sát chặt chẽ hơn, phù hợp hơn với điều kiện và tình hình thực tế.

HĐND tỉnh cũng sẽ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng có giải pháp khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế, tăng cường giám sát, củng cố Ban quản lý dự án, tổ chức tuyên truyền hiệu quả hơn và sớm thẩm định cơ chế đấu nối... để tạo thuận lợi cho dự án nhanh chóng hoàn thành và được đưa vào hoạt động.

KỲ TÂN