Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn 2: Kỳ vọng vào ODA Nhật Bản

Thứ năm, ngày 08/09/2011

Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương với mục tiêu cải thiện môi trường vệ sinh ở TX.TDM và TX.Thuận An đã được thực hiện giai đoạn 1 với vốn vay ODA của Nhật Bản. Để tiếp tục hoàn thành giai đoạn 2, Bình Dương đang mong muốn tiếp tục được hỗ trợ từ nguồn vốn này để sớm triển khai xây dựng các hệ thống nước thải đô thị, từ đó góp phần cải thiện điều kiện sống trong khu vực kể cả vùng phía dưới sông Sài Gòn ở TP.HCM.

Cần thiết, hợp lý

Khu vực Nam Bình Dương nằm giữa sông Đồng Nai và Sài Gòn, trung tâm của TX.TDM được xem như là một đô thị vệ tinh của TP.HCM, là Khu kinh tế đặc biệt phía Nam. Với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở phía Nam Bình Dương, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh kéo theo dân số ngày càng tăng đã làm cho khối lượng nước thải của cả sinh hoạt cũng như công nghiệp cũng tăng cao.

 Kênh Ba Bò một trong những công trình quan trọng trong dự án nhằm góp phần cải thiện chất lượng nước khu vực Thuận An và TP.HCM

Hệ thống thoát nước hiện hữu tại Thủ Dầu Một, Thuận An là một hệ thống kết hợp, trong đó bao gồm mương gạch bao phủ, cống hộp và các đường ống bê tông cốt thép. Nước thải và nước mưa của khu vực dự án được thải ra mạng lưới các kênh hiện có và dẫn ra sông Sài Gòn. Do đó, việc cải thiện nước được thải ra từ TX.TDM, Thuận An vào sông Sài Gòn là đặc biệt cần thiết, được xem như là đầu vào, là điểm cung cấp nước cho TP.HCM.

Dự án này cũng phù hợp với quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt định hướng phát triển thoát nước tại các trung tâm đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn hướng tới năm 2050. Mục tiêu là để giảm ngập lụt ở khu vực thành thị và khôi phục lại hệ thống thoát nước hiện có bằng cách mở rộng phạm vi lên đến 80% vào năm 2020, tăng thu gom nước thải và xử lý 60% vào năm 2020 cho các thành phố loại III hoặc cao hơn, 40% vào năm 2020 cho các đô thị loại IV và V, thay thế dần các khoản trợ cấp với phí dịch vụ và cách đưa nhà máy xử lý nước thải vào hoạt động. Bên cạnh đó, trong quy hoạch tổng thể cho ngành thoát nước ở phía Nam Bình Dương đã được thông qua thì dự án là phù hợp.

Tháng 10, sẽ quyết định

Bà Satoko Tanaka, cố vấn phòng Đông Nam Á 3, khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA) thông tin như thế với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về việc có tiếp tục cấp vốn ODA cho dự án giai đoạn 2 hay không. Tuy nhiên, qua đánh giá của bà Satoko Tanaka thì, dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương ở giai đoạn 1 được Bình Dương sử dụng khá thành công. Trên cơ sở đó và những nội dung thảo luận giữa đoàn kiểm tra, đánh giá của JICA với Công ty Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (đơn vị thực hiện dự án) sẽ được bà báo cáo lại cho Chính phủ Nhật Bản. Mặc dù chưa chắc chắn nhưng đây được xem như là tín hiệu khả quan ban đầu trong việc cấp vốn ODA cho dự án. Hơn nữa, dự án này cũng nằm trong các lĩnh vực thuộc hàng ưu tiên của Chính phủ Nhật Bản khi cấp vốn ODA là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường. Không những thế, dự án này cũng sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản trong khu vực hoạt động. Hiện tại, có 91 nhà đầu tư Nhật Bản đang hoạt động tại Thủ Dầu Một và Thuận An, trong đó có những doanh nghiệp Nhật Bản nằm ngoài các KCN nên sẽ được hưởng lợi và đó cũng là mục tiêu trực tiếp của dự án.

Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn 2 vẫn đang tiếp tục trông chờ vào nguồn vốn ODA của Nhật Bản, mặc dù chưa có quyết định cuối cùng nhưng việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả sẽ là một lợi thế khi tiếp tục đề nghị cấp vốn cho giai đoạn 2.

KỲ TÂN

Theo biên bản ghi nhớ thì điều kiện của khoản vay ODA Nhật Bản dự kiến cho dự án giai đoạn 2 với lãi suất xây dựng 0,65%/năm; lãi suất cho dịch vụ tư vấn 0,01%/năm; thời gian trả nợ 40 năm; mức tài trợ từ khoản vay ODA 85% chi phí của dự án; giá trị của dự án ước tính 19,8 tỷ yên.

Theo thiết kế ban đầu, có khoảng 1.911 ha (97.411 người) của Thủ Dầu Một và 3.163 ha (79.675 người) của Khu dân cư Thuận An thuộc mục tiêu của dự án. Khối lượng nước thải hàng ngày với lưu lượng 17,501m3/ngày ở Thủ Dầu Một và 13,146m3/ngày ở Thuận An. Tỷ lệ đấu nối hộ dân với 34% ở Thủ Dầu Một và 26% ở Thuận An vào thời điểm 2 năm sau khi hoàn thành dự án. Tiêu chuẩn chất lượng nước để được áp dụng cho dự án là tiêu chuẩn loại A, phù hợp với Quy chuẩn quốc gia về nước thải sinh hoạt.