Dòng phim hè VN chờ được khai phá

Thứ năm, ngày 06/05/2010

Ra rạp khoảng cuối tháng 4, 'Để Mai tính' hút khán giả. Còn phim dã sử 'Tây Sơn hào kiệt', dù hiệu ứng không bằng, vẫn tiếp tục trụ rạp với lượng người xem ổn định. Điều này hứa hẹn một mùa mới cho phim Việt.

Cụm rạp chiếu Galaxy, đơn vị phát hành Để Mai tính nhận xét, bộ phim này đang ghi điểm "tuyệt đối" trong kỳ ra mắt phim hè Việt Nam với lượng khán giả đến rạp đông nghịt.

Theo hãng này, con số 45.000 lượt người đến rạp chỉ trong vòng ba ngày đầu công chiếu là không thể nào ấn tượng hơn đối với doanh thu của một phim nhựa Việt Nam. Để Mai tính được chiếu vào thời điểm "hậu Tết", khiến cho nhà sản xuất cũng như đơn vị phát hành đều khấp khởi hy vọng về sự hình thành một mùa phim mới cho điện ảnh Việt. Đó là phim Việt ra rạp vào dịp hè, vốn chỉ dành cho dòng phim nhập ngoại bấy lâu.

"Tây Sơn hào kiệt" có thể trụ thêm ở rạp 2 tuần nữa dù có nhiều ý kiến khen chê.

Bên cạnh sức hút của các bộ phim ngoại ra rạp cùng thời điểm như Kẻ săn tiền thưởng, Leap year, Date night..., Để Mai tính khiến khán giả trẻ sẵn sàng xếp hàng chờ mua vé ủng hộ phim trong nước vì những điểm sáng: diễn xuất thú vị của Thái Hòa trong vai "đại gia" đồng tính; phim có nội dung lãng mạn, nhẹ nhàng, được chăm chút cẩn thận về mặt hình ảnh, âm thanh...

"Tôi không nghĩ khán giả Việt Nam chỉ đến rạp xem phim đông vào mỗi dịp cuối năm. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo nên những mùa phim hút khách khác", diễn viên Dustin Nguyễn cho ý kiến. Thành công của Để Mai tính cùng hiệu ứng Bẫy rồng trước đây từng làm được trong mùa Noel 2009 (đạt trên 11 tỷ đồng sau 3 tuần công chiếu dù phải cạnh tranh với siêu phẩm Avatar) đã phần nào biến "giấc mơ" của những ai yêu điện ảnh Việt thành hiện thực.

Một bộ phim khác khiến giới truyền thông ồn ào không kém và đang đứng rạp trong đầu hè 2010 là Tây Sơn hào kiệt. Đại diện của hệ thống rạp Megarstar cho biết, ra mắt từ ngày 30-4, bộ phim dã sử "made in Việt Nam" này khá hút khách trong những ngày nghỉ lễ. Lượng khán giả đến rạp, dù không được như kỳ vọng nhưng không quá thấp xét trong bối cảnh chung của phim Việt. Dự kiến, Tây Sơn hào kiệt có thể tiếp tục trụ rạp đến hơn hai tuần nữa.

Do đặc thù phim mang đề tài về lịch sử, và được làm với ý nghĩa mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tây Sơn hào kiệt kéo khán giả đến rạp theo cách riêng của nó. Hiện tại, có không ít trường học và trường dạy nghề đăng ký mua vé đến rạp xem để ủng hộ phim dã sử Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Quốc, Giám đốc trường dạy nghề Thẩm mỹ An Sương, TP.HCM cho biết, trường ông vừa đặt 300 vé cho học viên đến rạp xem Tây Sơn hào kiệt. "Phim có đề tài lịch sử Việt, mang yếu tố giải trí, gần gũi với người xem bây giờ ít quá. Đó là lý do tôi ủng hộ học sinh của mình đi xem vào dịp hè này ", ông Quốc nói.

Vài năm trước, không phải không có phim Việt ra mắt vào mùa hè, như loạt phim: Dòng máu anh hùng, Sài Gòn nhật thực, Giá mua một thượng đế..., nhưng các nhà làm phim luôn cho rằng ra mắt sản phẩm vào thời điểm này doanh thu và sự đón nhận của khán giả không cao. Họ đưa ra nhiều nguyên nhân để lý giải, như sức hút của phim ngoại quá lớn, người Việt chưa quen đến rạp xem phim Việt, mùa hè là mùa thi cử của lớp khán giả học sinh sinh viên...

Trong khi đó, điện ảnh thế giới, mà điển hình là Hollywood, lâu nay luôn xem hè là dịp tung "bom tấn". Phim hè 2010 của Hollywood mở màn với bộ phim khoa học viễn tưởng - hành động Iron man 2 (Người sắt 2), ăn theo thành công của Iron man 1 trong hè trước. Lần lượt các phim: Shrek forever after (phần 4 của loạt phim hoạt hình Shrek), Sex and the city 2, Toy story 3, Knight and day... đều ra rạp trong những tháng tiếp theo. Mấy năm gần đây, những phim như: The proposal, The hangover, Star trek, Indiana Jones and The kingdom of the crystal skull... cũng được đầu tư để ra mắt trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8.

Đến nay, sự thành công về mặt thương mại của Để Mai tính và việc gây chú ý của Tây Sơn hào kiệt cho thấy, nếu mạnh dạn khai phá, nhà sản xuất phim trong nước có thể làm nên chuyện. Từ đó có thể xóa đi nếp cũ: chờ mùa Tết để tung phim mà vô tình nhường hẳn khoảng thời gian ba tháng hè "vàng ngọc" cho phim nước ngoài kéo người xem đến rạp.

Còn khá sớm để nói về một dòng phim Việt dành riêng cho mùa hè, vì vẫn chưa nhiều hãng đầu tư khai phá mùa mới này. Nhưng những gì hai bộ phim trên làm được mang lại nhiều tin tưởng để các nhà sản xuất lưu tâm.

(THEO VNE)