Động lực phát triển từ khoa học - công nghệ
(BDO) Bình Dương đã và đang khẳng định vị thế là một trung tâm kinh tế năng động của khu vực phía Nam. Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) nhấn mạnh vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) là những động lực then chốt để hoàn thành mục tiêu quy hoạch đề ra.
KHCN&ĐMST được xác định là những động lực then chốt để Bình Dương phát triển trong giai đoạn mới. Trong ảnh: Các sản phẩm máy móc công nghệ hiện đại tham gia Triển lãm công nghệ tự động hóa 2024 tổ chức tại Bình Dương mới đây
Hoàn thiện hạ tầng khoa học công nghệ
Bình Dương đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng KHCN&ĐMST, bao gồm việc phát triển khu công nghệ thông tin tập trung, đổi mới sáng tạo với 4 phân khu, quy mô khoảng 220 ha tại thành phố mới Bình Dương. Khu vực này có chức năng nghiên cứu, phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm; đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu, đào tạo, sản xuất thử nghiệm và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, Bình Dương chú trọng mở rộng hạ tầng kỹ thuật số, với các dự án triển khai công nghệ 5G, xây dựng trung tâm dữ liệu và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ từ giai đoạn ý tưởng đến triển khai thực tế.
Bình Dương cũng thiết lập hệ sinh thái giáo dục và đào tạo, xây dựng các trung tâm khám phá KHCN&ĐMST tại nhiều khu vực trong tỉnh như TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, huyện Bàu Bàng. Các khu nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được triển khai tại các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng nhằm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn.
Những nỗ lực này giúp Bình Dương củng cố nền tảng phát triển bền vững, tăng cường năng lực cạnh tranh, đồng thời bảo đảm lợi ích lâu dài trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh nhà.
Lực đẩy từ khoa học công nghệ
Bình Dương là một trong những tỉnh, thành phố phát triển năng động nhất Việt Nam, đang định hướng phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng bền vững trong giai đoạn mới. Chiến lược phát triển này tập trung vào công nghiệp chế biến và chế tạo, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, KHCN&ĐMST được xác định là yếu tố then chốt, đóng vai trò làm động lực thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế của tỉnh. Bình Dương đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái ĐMST toàn diện, bao gồm các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), vườn ươm khởi nghiệp và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại.
Sinh viên trường Đại học Quốc tế Miền Đông tìm hiểu các giải pháp phát triển bền vững tại Trung tâm Giải pháp bền vững EIU - Sempcorp
Bình Dương khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các trường đại học để thúc đẩy hoạt động R&D, cùng với đó hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm. Việc xây dựng các khu công nghệ cao, các trung tâm dữ liệu lớn và mạng lưới 5G trong toàn tỉnh sẽ là nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động và tạo ra những sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Sự phát triển của KHCN&ĐMST không chỉ giúp các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp của Bình Dương nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết một trong những vai trò của ngành KHCN được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và giao cho sở thực hiện đó là gắn kết “ba nhà” (Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Viện/trường), sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa “ba nhà” và các chuyên gia. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển KHCN&ĐMST phục vụ phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040. Theo đó, chương trình xác định rõ trong từng giai đoạn, ngành KH&CN triển khai những đề án/chương trình KH&CN lớn để tổ chức, hợp tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng, đề xuất các chính sách mới lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện/trường là chủ thể nghiên cứu mạnh hơn, ứng dụng những công nghệ mới thành dạng các chương trình để mang lại hiệu quả lớn, tổng thể vào những lĩnh vực khác nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh nhà.
Theo Quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới Bình Dương sẽ phát triển các tổ chức KHCN, các hoạt động KHCN, thu hút các viện/trường đến đầu tư. Bình Dương cũng đẩy mạnh phát triển các trung tâm ĐMST; phát triển các cộng đồng, nhà khoa học, hội - đoàn tạo thành một cộng đồng chung trong lĩnh vực KHCN.
PHƯƠNG LÊ - TRẦN ĐÌNH TRÚC