Động lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ tư, ngày 22/02/2023

(BDO) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là “cú hích” đem lại thành tựu to lớn, toàn diện, mang tính lịch sử, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Chương trình còn tạo tiền đề vững chắc để ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội, phát triển kinh tế; tạo điều kiện để tiến hành công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở nền tảng những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đang tăng tốc hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, hướng đến NTM kiểu mẫu.

Có thể nói, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đem lại những thành tựu to lớn cho nông thôn Bình Dương. Hiệu quả mà chương trình mang lại là hạ tầng kỹ thuật phục vụ đời sống người dân ở nông thôn được nâng lên, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư, cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng ngày càng khang trang, hiện đại. Đi cùng với chương trình xây dựng NTM, Bình Dương còn quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối để rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, tạo thuận lợi về mọi mặt trong đời sống và sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chương trình xây dựng NTM còn tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương tái cơ cấu sản xuất, đưa khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp và phát động các phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Hiệu quả mang lại từ các phong trào này là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trong tỉnh tăng trưởng không ngừng. Nếu như giai đoạn 2016-2020 thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn Bình Dương đạt 58 triệu đồng/ người/năm thì đến năm 2022 đã cán mốc gần 80 triệu đồng/năm (cao gần gấp đôi so với mức bình quân cả nước là 42 triệu đồng/năm). Nông thôn khởi sắc, nông dân ấm no là hiệu quả đã nhìn thấy mà chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đem lại. Thành công của chương trình chính là động lực thúc đẩy các địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng tốc xây dựng NTM nâng cao, hướng đến NTM kiểu mẫu. Xây dựng NTM nâng cao đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực cao hơn, đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu các địa phương trong tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao thì hiệu quả đem lại cũng cao hơn.

Dẫu khó nhưng trên cơ sở đã đạt được của quá trình xây dựng NTM, đến nay toàn tỉnh đã có 29/46 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, các xã còn lại tiếp tục giữ vững và từng bước nâng chất các tiêu chí để đạt xã NTM nâng cao trong thời gian tới. Thuận lợi của các địa phương là song hành với chương trình xây dựng NTM tỉnh đang thực hiện lồng ghép thực hiện chương trình đưa công nghiệp về nông thôn. Với sự đồng hành của nhiều chương trình và mục tiêu xuyên suốt là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, tin rằng đến năm 2025, Bình Dương sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao như kế hoạch đã đề ra.

LÊ QUANG

Từ khóa: