Động lực để công nghiệp nông thôn phát triển bền vững

Thứ sáu, ngày 13/12/2024

(BDO) Trong năm 2024, nguồn kinh phí hỗ trợ từ chính sách khuyến công thực sự là “vốn mồi” quan trọng khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Nhờ đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, cải thiện an toàn lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng tính cạnh tranh đã giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển bền vững.

Hỗ trợ đúng đối tượng

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Xúc tiến thương mại - Khuyến công, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh (Sở Công thương) cho biết: trong năm 2024, chúng tôi chủ động làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, hiệp hội ngành hàng, phòng kinh tế các huyện, thành phố trong tỉnh để triển khai các chương trình, nội dung và định mức hỗ trợ từ hoạt động khuyến công. Qua đó, chọn đúng “điểm đến” cho các đối tượng, các chương trình hỗ trợ.

 Nghiệm thu đề án khuyến công hỗ trợ hộ kinh doanh G102 (TP.Dĩ An) 

Trong năm, tổng kinh phí chương trình khuyến công được phê duyệt là  2,796 tỷ đồng. Bám sát các chương trình đã được UBND tỉnh phê duyệt, ngành công thương đã ưu tiên hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn

“Trong quá trình triển khai thực hiện, cộng tác viên khuyến công giới thiệu gần 35 cơ sở CNNT. Tuy nhiên, qua rà soát thông tin các dữ liệu ban đầu (ngành nghề, đối tượng, nội dung đề nghị …) đa số không đáp ứng được điều kiện để đề nghị hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công theo quy định.

Đối với các cơ sở CNNT đủ điều kiện, ngành công thương, UBND xã, phường nơi cơ sở sản xuất, cộng tác viên khuyến công tiến hành khảo sát sơ bộ và hướng dẫn thành phần hồ sơ hoàn thiện 5 đề án cho 5 cơ sở CNNT. Trong đó, hiện Sở Công thương đã thẩm định và phê duyệt kinh phí thực hiện hỗ trợ 4 đề án cho 4 cơ sở CNNT với tổng kinh phí thực hiện gần 3,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công địa phương đã phê duyệt hỗ trợ là 1,2 tỷ đồng. Hiện 1 đề án đang trong quá trình hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ (dự kiến kinh phí đề nghị hỗ trợ thực hiện là 300 triệu đồng.”, ông Tuấn chia sẻ.

Trong năm 2024, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh hoàn thành việc tổ chức thực hiện bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh lần VII, năm 2024 với 41 sản phẩm của 40 doanh nghiệp đạt chứng nhận. Thực hiện đăng ký 41 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2024. Kết quả, Bình Dương có 17 sản phẩm/bộ sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2024, đứng tốp 2 trên toàn khu vực phía Nam.

Động lực cho doanh nghiệp

Anh Điền Đắc Trung, chủ hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng), cho biết sau gần 1 năm đưa vào ứng dụng máy cán tôn đã giúp cơ sở đổi mới phương thức gia công sản phẩm từ máy móc thiết bị cũ, lạc hậu sang máy móc thiết bị mới, hiện đại và tự động hóa. Máy móc, thiết bị mới hoạt động tự động nên hạn chế sản phẩm bị hỏng, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như năng suất tăng nhiều lần so với trước.

 Ngành công thương tạo điều kiện hỗ trợ các đơn vị sản xuất tham gia các chương trình triển lãm sản phẩm địa phương

“Chúng tôi đã được tiếp thêm động lực lớn từ chính sách khuyến công. Bên cạnh giá trị vật chất còn là giá trị tinh thần khi cơ sở tại vùng xa như chúng tôi được quan tâm, tạo điều kiện từ các cấp, ngành trong việc phát triển sản xuất, giúp cơ sở có thêm động lực đầu tư máy móc thiết bị mới trong sản xuất. Từ đó, cơ sở tiết kiệm được chi phí sản xuất, năng suất tăng cao, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ tiêu dùng, mở rộng thị trường và hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế theo mô hình công nghiệp bền vững”, anh Trung nói.

Anh Trần Hà Đăng, chủ hộ kinh doanh  G102 (TP.Dĩ An) bày tỏ: “Việc hỗ trợ giúp hộ kinh doanh có thêm điều kiện ứng dụng máy móc tiên tiến vào khâu sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, đáp ứng cường độ lao động sản xuất hiện đại, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, việc hỗ trợ giúp hộ kinh doanh có thêm điều kiện ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong việc tạo ra một sản phẩm tốt cho ngành công nghiệp thực phẩm. Đây thực sự là động lực để bản thân hộ kinh doanh phát triển lên những tầm cao hơn...”.

Năm 2025, ngành công thương tiếp tục thực hiện hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn, kinh phí thực hiện 1 tỷ 200 triệu đồng. Chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, kinh phí là 585 triệu đồng. Chương trình cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp nông thôn, công tác truyền thông là 540 triệu đồng. Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công là 100 triệu đồng.

Tiểu My- Anh Tuấn