Đóng góp ý kiến dự thảo Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh: Cần bảo đảm tính pháp lý và tính khả thi
Rất nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN) (lần 2) đề nghị tập trung làm rõ đối tượng áp dụng, vị trí, mục tiêu giáo dục QP-AN và điều chỉnh sao cho phù hợp một số điều, bảo đảm tính pháp lý và tính khả thi.
Cần thiết phải ban hành và thực thi luật
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 62 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới, có thể nói, bước đầu đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức các cấp, các ngành, học sinh, sinh viên, góp phần giữ vững chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện công tác giáo dục QP-AN vẫn còn những bất cập. Vì vậy, việc ban hành Luật Giáo dục QP-AN là hết sức cần thiết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị phối hợp chủ trì hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo Luật Giáo dục QP-AN (Ảnh: Thanh Liêm)
Dự thảo lần 2 Luật Giáo dục QP-AN được Ban soạn thảo Trung ương (Bộ Quốc phòng) công bố có 5 chương, 56 điều về quy định chung, giáo dục QP-AN; bảo đảm nguồn lực giáo dục QP-AN; quản lý Nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức về giáo dục QP-AN; khen thưởng và xử lý vi phạm; vấn đề về cấp chứng chỉ; các tiêu chí xem xét đối với các cán bộ được bổ nhiệm. Một số ý kiến đều thống nhất cần thiết phải ban hành luật và cho rằng, dự thảo luật đã đề cập 2 vấn đề mới mà từ trước đến nay chưa luật nào đề cập đến. Đó là tư tưởng xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về vấn đề quốc phòng và xã hội hóa công tác giáo dục QP-AN.
Cần cụ thể hơn về giáo dục QP-AN trong học sinh, sinh viên
Bàn thảo luật, nhiều ý kiến đóng góp tập trung ở Điều 2 về đối tượng áp dụng. Một số ý kiến cho rằng, cần phải bổ sung để làm rõ luật “áp dụng đối với công dân, cơ quan, tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam”. Như vậy, theo ý kiến đại diện của trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, thì đối với du học sinh là công dân Việt Nam có trách nhiệm, nghĩa vụ học tập ở nước ngoài khi trở về nước phải được bồi dưỡng lớp giáo dục QP-AN mới xin việc làm...
Vì có liên quan rất nhiều đến chương trình giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), nên khi đề cập đến giáo dục QP-AN cho học sinh tiểu học, THCS, THPT, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sinh viên đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề... những nhà chuyên môn đóng góp rất cụ thể và chi tiết. Ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thống nhất với nội dung Điều 9 đề ra và giải thích, thời gian qua, các trường tiểu học, THCS, THPT có lồng ghép chương trình giáo dục QP-AN vào chương trình học “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Thế nhưng theo ông, khuynh hướng của Bộ GD-ĐT là giảm tải môn học không cần thiết. Vì vậy, nếu đưa giáo dục QP-AN vào đối tượng học sinh thì cũng nên nhẹ nhàng, tuy nhiên, vẫn phải có điểm số để đánh giá, trừ những học sinh học trường nghề. Riêng đối với sinh viên đại học, cao đẳng, xem đây là điều kiện để xét tốt nghiệp ra trường.
Xác định tầm quan trọng của công tác giáo dục QP-AN trong trường học là vậy, nhưng trên thực tế, đội ngũ giáo viên giảng dạy cho môn học này còn mỏng. Hầu hết giáo viên bộ môn chưa được đào tạo bài bản, đa phần chỉ học với thời gian 6 tháng, 9 tháng là chủ yếu, không có chính quy. Nhấn mạnh tầm quan trọng này, ông Huỳnh Văn Nhị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong tương lai, cán bộ, giáo viên, giảng viên ở Bình Dương dạy môn học này dứt khoát phải được đưa đi đào tạo chính quy 4 năm và 2 năm (văn bằng 2).
Cần bảo đảm tính pháp lý và khả thi đối với các đối tượng khác
Đề cập đến các điều 17, 18, 19 về bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho người đứng đầu, người làm quản lý nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngoài Nhà nước; cho các chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo và cho các đối tượng khác... Ông Đặng Quang Việt, Phó Trưởng ban Quản lý khu công nghiệp bày tỏ rất tâm đắc và cho rằng, dự luật lần này rất quan tâm đến các đối tượng này vì đã đưa hẳn vào luật. Vì vậy sẽ tạo điều kiện cho đối tượng quản lý phối hợp triển khai dễ dàng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Qua đó, Liên đoàn Lao động bằng các hình thức lồng ghép, nhằm tuyên truyền pháp luật cho công đoàn viên trong doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận với công tác giáo dục QP-AN.
Đối với Điều 18: “Bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo”, ông Từ Xuân Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đề nghị, cần bổ sung 2 từ “chức việc” và nên chăng, cần giao cơ quan quản lý và chủ trì sao cho phù hợp, để giúp các chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo có kiến thức QP-AN, từ đó thực hiện tốt đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Để Luật Giáo dục QP-AN thực sự cần thiết, bảo đảm tính pháp lý và tính khả thi, nhiều ý kiến đóng góp, mong muốn dự luật tránh trùng lắp giữa các điều khoản, đồng thời nâng tính logic, tính hệ thống của luật. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, đa số ý kiến đều hoan nghênh Ban soạn thảo luật đã đề cập nhiều điểm mới, có chất lượng... Nếu được các địa phương, đơn vị đóng góp nhiều hơn, xác đáng hơn nữa thì chắc chắn rằng, Luật Giáo dục QP-AN sẽ sát với thực tiễn và đi vào cuộc sống sớm hơn.
MAI HUY