Đồng euro sau 10 năm

Thứ sáu, ngày 16/12/2011

Cách đây đúng 10 năm, sáng 15-12-2001, người dân Pháp háo hức ra ngân hàng đổi lấy những đồng euro đầu tiên thay cho đồng franc của họ...

Ước ao châu Âu hợp nhất đã thành sự thật với đồng tiền mới chung cho toàn châu Âu, hứa hẹn một sức bật mới trong thời buổi mà các nền kinh tế lớn ở châu Á đang dè bỉu xem “cựu lục địa” như là hiện thân của sự già nua, cằn cỗi và trì trệ. Với đồng tiền chung này, châu Âu sẽ lại là một cường quốc kinh tế chớ không bị lép vế trước những “người khổng lồ” mới, với dân số vượt 1 tỉ người, đang “lấy thịt đè người”, chớ không hẳn đã qua mặt châu Âu về trình độ phát triển...

Báo chí thế giới cũng hoan hỉ đăng tin và hình ảnh về những đồng tiền chung đầu tiên trên thế giới với sự thán phục về khả năng hợp lực của 15 nước châu Âu đầu tiên tham gia. Từ một thị trường chung châu Âu trong nửa đầu thế kỷ 20 đến một đồng tiền chung, bên cạnh một Nghị viện châu Âu và một Ủy ban châu Âu chung, quả là... chỉ có châu Âu mới làm được!

Giấc mơ hợp nhất (như châu Âu) để có thể trở thành đại cường đã được các châu lục khác trầm trồ. Một số khối tương tự cũng được thành lập, như Mercosur (thị trường chung Nam Mỹ). Liệu ASEAN, sau khi đã thành hình thị trường chung (AFTA), đã thông qua hiến chương chung, cũng sẽ tiến đến như châu Âu, cho dù còn trong một tương lai xa và với nhiều tốc độ khác nhau, như châu Âu cũng đã từng “hai tốc độ” với một nhóm “đầu tàu” ra sức kéo, đẩy và một số “toa xe” (được kéo).

Giấc mơ ấy nay đang muốn tan như bọt xà phòng với cuộc khủng hoảng nợ toàn khối đồng euro mà nguyên nhân cơ bản là việc các nước thiếu kỷ luật trong thu chi ngân sách, trong chính sách tài khóa song lại thiếu thực lực kinh tế để trả nợ, đo được bằng số ngoại tệ thu về. Có những nước như Hi Lạp xuất khẩu chỉ hơn 21 tỉ USD năm ngoái song vẫn ung dung chi tiêu! Ngay cả giữa hai “đầu tàu” kinh tế là Đức và Pháp cũng đã khác biệt gấp hai lần rưỡi về sức mạnh xuất khẩu: 1.337 tỉ USD so với 517,3 tỉ USD! Xuất khẩu càng ít, càng khó trả nợ và nay càng phải đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Khối đồng euro nay đang sống dở chết dở vì thực tế phũ phàng là công nợ vượt quá khả năng trả nợ này.

Một vấn nạn khác của những quốc gia sắp khánh tận như Hi Lạp, Ý là nạn thất thu thuế. Tham nhũng càng hoành hành, không chỉ đại đa số người dân phải bị “làm luật” mà còn là ngân sách bị bòn rút và thất thu. Ở Hi Lạp, khi một công chức thuế vụ “ăn” X euro thì ngân sách thất thu Y euro! Tham nhũng trở thành quốc nạn là vì vậy. Ở Hi Lạp, ở Ý... ngoài thắt lưng buộc bụng, giảm chi ngân sách, các chính phủ mới còn phải lo chống thất thu ngân sách, chống thất thu thuế, mà muốn được thế, phải khóa tay được tham nhũng trong các sở thuế.

Thỏa thuận tuần trước ở Brussels giữa các nước trong Liên minh châu Âu (EU) còn cho thấy khi tỉnh giấc mơ, thực tế xám xịt là như thế nào. Chừng đó nước sử dụng đồng euro từ nay sẽ phải tạm gác chủ quyền quốc gia qua một bên để tuân thủ những chính sách do hai “đầu tàu” Đức và Pháp đề ra, những quy định chung do Ngân hàng Trung ương châu Âu ban hành, và phải tuân thủ tuyệt đối “không cãi”! Cái giá phải trả cho một thời “vung tay quá trán” là thế đó! Khi vay, người ta hào hứng vay lấy vay để mà quên rằng tên chính thức của nợ ấy là “nợ chủ quyền”, tức nợ do một chính phủ, một quốc gia có chủ quyền đứng tên vay hay bảo lãnh vay. Và khi trả không xong thì chủ quyền cũng mất, để thiên hạ thay mình định đoạt chi tiêu, tích cóp của nước đó!

Bi kịch của giấc mơ euro ở chỗ “con nợ” mà quên mình là “con nợ”, lại cứ sống “lả lướt” như đang là “chủ nợ”!

Nguy cơ Pháp bị hạ bậc tín nhiệm

Nguy cơ Pháp bị hạ bậc tín nhiệm nợ ngày càng lớn như thừa nhận của Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé. “Nó dĩ nhiên không phải là tin tốt lành, nhưng cũng không phải là một thảm họa - AFP dẫn lời ông Juppé nói - Nước Mỹ bị mất thứ hạng AAA nhưng vẫn có thể xoay xở để vay được trên thị trường”.

 Ông Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo Đảng Cánh tả, tham gia cuộc biểu tình chống các chính sách thắt lưng buộc bụng ở Paris ngày 13-12 Trước đó đã có tin hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) chuẩn bị tước thứ hạng vàng AAA của Pháp. S&P thường thông báo trước 12 tiếng cho một chính phủ trước khi quyết định hạ bậc.

Lãnh đạo các nước châu Âu đang tìm cách trấn an giới đầu tư bằng các chính sách thắt lưng buộc bụng và mới đây đã thống nhất siết chặt kiểm soát ngân sách các nước thành viên vào tháng 3-2012. S&P từng đưa 15 nước châu Âu gồm Pháp, Đức vào danh sách có chiều hướng tiêu cực, tuy nhiên Pháp là nước được đánh giá có nhiều nguy cơ bị hạ loại nhất.

Theo Tuổi Trẻ