Đồng chí Võ Chí Công: Một tấm gương cộng sản mẫu mực

Thứ hai, ngày 06/08/2012

 Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7-8-1912, tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là ông Võ Nghiệm (tức Võ Đường), một nhà nho yêu nước, một đảng viên cộng sản, được Đảng và Nhà nước truy tặng liệt sĩ. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Thân, một cơ sở cách mạng tin cậy của Đảng, được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trọn đời hoạt động cách mạng

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng, ở vùng quê giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, với nhiều chí sĩ nổi tiếng như: Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thành, Huỳnh Thúc Kháng... người thanh niên yêu nước Võ Chí Công đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên yêu nước ở cơ sở những năm 1930-1931. Tháng 5-1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) và bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng.

Năm 1940, đồng chí Võ Chí Công được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; năm 1941 được cử vào Xứ ủy Trung kỳ, phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng tới Phú Yên. Đến năm 1942 đồng chí được phân công vào gây dựng cơ sở tại các tỉnh vùng Nam Trung bộ, sau đó bị địch bắt và kết án tù chung thân nhưng được giảm án xuống còn 25 năm tù ở nhà lao Hội An rồi bị đày đi nhà tù Buôn Ma Thuột. Tháng 3-1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp, đồng chí được ra tù và trở về Quảng Nam tiếp tục hoạt động cách mạng.

 Đồng chí Võ Chí Công thăm hỏi bà con xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam năm 1991 Sau thành công của Cách mạng tháng 8-1945, đến đầu năm 1954 đồng chí ra miền Bắc và được phân công là đoàn ủy viên cải cách ruộng đất ở khu Việt Bắc. Khi Hiệp định Giơnevơ ký kết, đồng chí được phân công trở lại khu V làm Phó Bí thư Khu ủy Khu V (1955-1958). Tháng 9-1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Khi Trung ương Cục miền Nam thành lập, đồng chí được Bộ Chính trị điều động vào Nam bộ làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Tại Đại hội Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam và là đại diện của Đảng trong mặt trận. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí là Phó ban đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam; đến năm 1976 được giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và đến tháng 4-1981 được cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và tham gia Đảng ủy Quân sự Trung ương. Tháng 4-1987, tại kỳ họp Quốc hội khóa VIII, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà Nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Đồng chí tiếp tục làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII; khóa VIII và là đại biểu Quốc hội khóa VI, VII và VIII.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Những đóng góp to lớn với sự nghiệp giải phóng dân tộc

Sau khi từ nhà tù Buôn Ma Thuột trở về năm 1945, đồng chí tham gia ngay vào Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam, bằng nhiều biện pháp đấu tranh quyết liệt và khôn khéo đã cùng ban lãnh đạo khởi nghĩa giành được thắng lợi trong tỉnh một cách nhanh chóng. Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị là Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, đồng chí đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, kiên trì bám đất, bám dân, đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược về con đường cách mạng ở miền Nam, đóng góp vào việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Trung ương 15 lịch sử, mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của đồng chí Võ Chí Công và Khu ủy khu V, quân ta đã tiến công vào các thành phố, thị xã, đạt được mục tiêu rồi nhanh chóng rút về căn cứ nên đã bảo toàn lực lượng, ít bị thiệt hại so với những nơi khác.

Khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, từ kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí Võ Chí Công và lãnh đạo Khu ủy Khu V xác định rằng, sẽ không có hòa bình ngay, kẻ địch còn tiếp tục đánh phá, phá hoại hiệp định. Đồng chí đã coi trọng công tác lãnh đạo tư tưởng, xốc lại đội ngũ, kiên quyết tiến công địch, giành đất, giành dân, xây dựng lực lượng về mọi mặt, góp phần đẩy nhanh sự suy yếu của ngụy quân, ngụy quyền.

Tháng 3-1975, để chuẩn bị cho chiến dịch lớn, đồng chí Võ Chí Công đã tham gia, chỉ đạo đánh trận mở màn vào Buôn Ma Thuột, giải phóng toàn bộ vùng đất chiến lược Tây nguyên, làm cho quân địch choáng váng, tháo chạy về Đà Nẵng cố thủ. Nắm bắt thời cơ mới xuất hiện, đồng chí đã đề xuất với Bộ Chính trị, chớp thời cơ, tiến công giải phóng Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch đã định. Thắng lợi ở Tây nguyên và Đà Nẵng đã góp phần tạo thế và lực to lớn cho toàn quân, toàn dân ta giải phóng miền Nam, đánh thắng ý đồ kéo dài chiến tranh của Mỹ, ngụy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Gần 30 năm lãnh đạo quân, dân Quảng Nam - Đà Nẵng và khu V chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Võ Chí Công đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những mốc son trên con đường hoạt động cách mạng thời kỳ này của đồng chí đã được ghi vào lịch sử của Đảng ta, tô đậm trang sử kháng chiến oai hùng của quân và dân Nam Trung bộ. (Còn tiếp)

C.T (tổng hợp)