Đồng chí Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy: Công nghiệp hóa đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững (*)
(BDO) Bên hành lang Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trao đổi với báo chí, đồng chí Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương đã có một số chia sẻ về kinh nghiệm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp tại địa phương. Báo Bình Dương trân trọng giới thiệu đến bạn đọc nội dung cuộc trao đổi này.
- Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương rất năng động trong cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế. Đồng chí có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm của địa phương?
- Thật ra, chúng tôi đã kiên trì và đeo đuổi vấn đề này bởi trong thu hút đầu tư, điều quan tâm nhất là yếu tố con người, đội ngũ lãnh đạo, thủ tục hành chính và những người thực hiện thủ tục hành chính, nguồn nhân lực là các vấn đề các nhà đầu tư thường rà đi soát lại rất nhiều lần. Khi họ vào tiếp xúc, điều cần phải chứng tỏ là tỉnh luôn luôn bên cạnh họ, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nếu họ gặp khó khăn. Đơn cử như sự kiện ngày 13, 14-5-2014, chúng tôi đánh giá rằng, sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư rất lớn, cho nên tỉnh đã làm rất nhiều giải pháp để khẳng định rằng, nhà đầu tư gặp khó khăn, bị sự cố nhưng đó chỉ là nhất thời. Vấn đề là an toàn, môi trường đầu tư của tỉnh luôn luôn tốt. Tỉnh luôn bên cạnh nhà đầu tư, đó mới là bền vững và lâu dài. Chính vì thế năm 2015, chúng tôi thu hút được gần 3 tỷ USD. Đây là con số rất lớn trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Trong quá trình phát triển, Bình Dương luôn chú trọng bảo vệ môi trường.
Trong ảnh: Một góc khu đô thị Mỹ Phước. Ảnh: XUÂN THI
- Thưa đồng chí, trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, làm sao tránh được các nhà đầu tư lợi dụng chính sách của Việt Nam để trục lợi?
- Kinh nghiệm của Bình Dương nhiều năm qua cho thấy, vấn đề phòng tránh nhà đầu tư trục lợi, điều đầu tiên phải có mối quan hệ, có nhiều thông tin. Bình Dương đã có mối quan hệ với 8 tỉnh, thành phố trên thế giới. Bên cạnh đó, cần thông qua các lãnh sự quán, các tổng lãnh sự; thông qua các hiệp hội doanh nhân của các nước sở tại. Khi thu hút đầu tư, cần hết sức chú ý, mắt thấy tai nghe, thông qua các lãnh sự quán của mình ở nước ngoài. Thường thì các tập đoàn lớn cũng nắm rất rõ về các thành viên, nên khi làm việc phải thông qua nhiều kênh để thẩm định. Đến nay, về cơ bản, Bình Dương chưa gặp phải những nhà đầu tư lợi dụng chính sách để trục lợi.
- Là một địa phương có tốc độ công nghiệp hóa rất nhanh, làm thế nào để tỉnh ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến môi trường và việc sử dụng công nghệ lạc hậu?
- Thực tế nhiều năm qua, Bình Dương đã chuyển hướng. Từ việc thu hút đầu tư dàn trải, nghĩa là cứ thu hút vào rồi trong quá trình thu hút, tính toán sàng lọc, tới nay Bình Dương rút ra bài học kinh nghiệm và đưa ra những đề bài cụ thể. Việc này đã thể hiện trong nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, đến việc thực hiện của UBND tỉnh rất ráo riết, quyết liệt. Nhiều năm qua, tỉnh đã vừa bảo đảm phát triển công nghiệp, đô thị hóa, vừa không thu hút các doanh nghiệp có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, công nghệ lạc hậu. Bình Dương đã đưa ra những tiêu chí cụ thể là thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, sản phẩm có hàm lượng chất xám cao và giá trị gia tăng trong sản phẩm cao, ít có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Song song đó, tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc hạn chế tối đa thu hút đầu tư ở ngoài khu, cụm công nghiệp; tập trung thu hút vào các khu, cụm công nghiệp đã có. Những nhà máy, xí nghiệp ở các khu vực phía Nam của tỉnh có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi yêu cầu chuyển đổi công năng, công nghệ hoặc phải buộc di dời lên phía Bắc. Nhưng việc di chuyển này cũng ưu tiên di chuyển vào các khu, cụm công nghiệp, kèm theo chuyển đổi công nghệ. Nếu không chúng ta lại mang ô nhiễm môi trường từ nơi này đến nơi khác. Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ chuyển đổi cho các nhà máy, xí nghiệp lên phía Bắc và đã làm điều này rất thành công.
- Nhiều địa phương do chạy đua phát triển công nghiệp, có khi không phát huy được những tiềm năng lợi thế? Kinh nghiệm của Bình Dương về vấn đề này như thế nào?
- Điều này liên quan đến công tác quản lý vĩ mô. Chính phủ cần có quy hoạch tổng thể về phát triển công nghiệp trên cả nước, quy hoạch từng vùng và quyết tâm thực hiện. Thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp không phải việc dễ dàng, không phải nơi nào cũng làm được. Các nhà đầu tư cũng lựa chọn rất kỹ. Song song đó, thu hút đầu tư mà không có chính sách riêng thì cũng khó thành công, nhất là bảo đảm được tính bền vững. Tại Bình Dương, chúng tôi khẳng định, không có gì ưu đãi riêng biệt mà thoát ly khỏi quy định của Nhà nước.
- Theo đồng chí, để tạo ra sức bật cho các địa phương, cần thiết phải có các cơ chế riêng, đặc thù hay không?
- Tạo sức bật cho các địa phương là quan điểm cần ủng hộ nhưng phải có cơ chế chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch. Hiện tại, địa phương nào cũng cần cơ chế riêng, cơ chế đặc thù sẽ không thể được. Trước mắt, cần ưu tiên cho một số vùng động lực, điều này là rất cần thiết. Như tôi nói, hạ tầng của mình thế mình hài lòng, không đâu! Đến một vài năm nữa, hạ tầng đó không phù hợp thì phải đầu tư cho hạ tầng. Đây là vấn đề không đơn giản vì liên quan đến kinh phí, mà kinh phí không phải trong tầm của địa phương. Có đại biểu đã phát biểu về liên kết vùng để nơi này làm cái này, nơi kia làm cái khác. Đây cũng là một vấn đề liên kết vùng ở hạ tầng, đặc biệt là từ liên kết cứng đến liên kết mềm phải ở từng vùng. Đây không phải là kinh nghiệm của riêng chúng ta, nhiều nước trên thế giới đã làm rồi.
- Điều này đặt ra những thách thức và thuận lợi, đặc biệt là sự năng động của từng địa phương như thế nào, thưa đồng chí?
- Tôi nghĩ rằng, trước hết các địa phương cần vận dụng các quy định của pháp luật hiện hành để từ tình hình thực tế có những quyết sách cho phù hợp và đúng với quy định của pháp luật. Trong quá trình đó, có những đề xuất, điều chỉnh để bảo đảm sự năng động không sai với quy định của pháp luật…
- Trong phần tham luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đề ra những trụ cột để cải cách kinh tế. Đồng chí suy nghĩ gì về những đề xuất này và những đề xuất đó có sát với thực tế địa phương mình hay không?
- Đây là những đề xuất rất hay. Trước đây, cũng đã có nhiều ý kiến về vấn đề này. Về phía địa phương, chúng tôi cũng đã có những áp dụng. Tôi nghĩ là chúng ta nên xuất phát từ thực tiễn rồi sau đó rút ra để làm. Hiện nay, tôi nghĩ vẫn còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ, cả về mặt lý luận. Với địa phương, những vấn đề mà bộ trưởng đặt ra, cũng đã thể hiện được khá nhiều. Vấn đề còn lại là chúng ta rút ra bài học và có những chỉ đạo. Tất nhiên, điều này liên quan đến một loạt vấn đề, kể cả hệ thống pháp luật, kể cả quá trình điều hành, kể cả quyết tâm thực hiện nữa…
- Xin cảm ơn đồng chí!
(*) Tựa do Tòa soạn đặt
NHÓM P.V CHÍNH TRỊ (thực hiện)