Đồng chí Lê Hồng Phong - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng

Thứ ba, ngày 06/09/2022

(BDO)

Quang cảnh hội thảo.

Chiều 5/9, tại Nghệ An, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Hồng Phong - Người chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam."

Tham dự và chủ trì hội thảo có giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi...

Tham dự hội thảo còn có các đại diện lãnh đạo các ban, ngành của Trung ương và địa phương, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố gắn liền với hoạt động của đồng chí Lê Hồng Phong, đại diện thân nhân gia đình đồng chí Lê Hồng Phong, cùng các đại biểu, nhà khoa học ở Trung ương và địa phương.

Hội thảo khoa học là hoạt động thiết thực kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902-2022). Đồng chí Lê Hồng Phong từng là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, người chiến sỹ cách mạng tiền bối, kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An, người cộng sản trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đây cũng là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An.

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng, phủ Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Kế thừa truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương xứ Nghệ, người thanh niên giàu nhiệt huyết, bản lĩnh kiên cường đã tiếp bước truyền thống của lớp lớp cha anh dấn thân vào con đường cứu nước, cứu dân.

Năm 1924, đồng chí Lê Hồng Phong sang Quảng Châu (Trung Quốc) và tham gia tổ chức Tâm Tâm xã - một tổ chức của những người Việt Nam yêu nước. Đầu năm 1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cải tổ Tâm Tâm xã, chọn Lê Hồng Phong cùng một số thanh niên ưu tú để thành lập nhóm Cộng sản Đoàn, nòng cốt cho sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6/1925) - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Được sự giới thiệu, giúp đỡ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trong những năm 1926-1931, đồng chí Lê Hồng Phong đã tham dự nhiều trường đào tạo, huấn luyện ở Trung Quốc và Liên Xô: Trường Quân sự Hoàng Phố; Trường Hàng không Quảng Châu; Trường Lý luận quân sự không quân ở Leningrad; Trường Đào tạo phi công quân sự số 2 ở thành phố Bôrítxgơlépxcơ và đặc biệt là Trường Đại học Phương Đông (KYTB).

Năm 1931, sau khi Cao trào cách mạng 1930-1931 bị khủng bố trắng, hệ thống tổ chức Đảng bị tan vỡ, phong trào cách mạng nước ta lâm vào thoái trào, đồng chí Lê Hồng Phong được Quốc tế Cộng sản cử về nước chỉ đạo khôi phục tổ chức Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam.

Tại Hội nghị thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng (3/1934), đồng chí được bầu làm Thư ký Ban. Tháng 3/1935, tại Đại hội lần thứ I của Đảng, đồng chí được bầu là Tổng Thư ký (Tổng Bí thư) Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Các đại biểu tham quan những hình ảnh về cuộc đời sự nghiệp của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại hội thảo.

Tháng 7 đến tháng 8/1935, đồng chí được cử là Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản và được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Tháng 7/1936, tại Hội nghị đại diện Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Chỉ huy ở ngoài, đồng chí được cử phụ trách Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng.

Tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về hoạt động ở Sài Gòn. Ngày 22/6/1939, đồng chí bị mật thám Pháp bắt, bị trục xuất khỏi Nam Kỳ và đưa về quê nhà Nghệ An quản thúc, rồi bị bắt trở lại sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, bị đày ra Côn Đảo. Ngày 6/9/1942, đồng chí hy sinh tại Côn Đảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh hội thảo khoa học kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong là hoạt động thiết thực để tưởng nhớ, tri ân cuộc đời, sự nghiệp cách mạng cao đẹp và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương hiện nay, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần tăng cường, bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tưởng nhớ, tri ân đồng chí Lê Hồng Phong, chúng ta nhớ về cuộc đời cách mạng cao đẹp của đồng chí với những bài học sâu sắc về tinh thần kiên định phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, sẵn sàng đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết và trước hết, gắn bó mật thiết với nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích, tiêu chuẩn, thước đo kiểm nghiệm tính đúng đắn của hành động; về không ngừng học tập, rèn luyện mọi mặt để hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao.

Chúng ta nhớ về tấm gương người chiến sỹ cộng sản quốc tế, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng; về nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù; về ý thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng sai trái, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, xuyên tạc của kẻ thù. Đó là những bài học có ý nghĩa quan trọng, thiết thực trong công cuộc đổi mới, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tại Hội thảo, gần 50 tham luận của các lãnh đạo Đảng, đại diện các cơ quan và các nhà khoa học ở các ban, ngành Trung ương: Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tỉnh Nghệ An - quê hương của đồng chí Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, những địa phương đồng chí Lê Hồng Phong từng hoạt động cách mạng…

Phần mộ đồng chí Lê Hồng Phong tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.

Các tham luận đã tập trung phân tích, đánh giá những hoạt động, cống hiến nổi bật của đồng chí Lê Hồng Phong trên những nội dung: ảnh hưởng của quê hương giàu truyền thống yêu nước, bất khuất góp phần hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, nhiệt huyết, hình thành chí khí cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong; đồng chí Lê Hồng Phong - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam; đồng chí Lê Hồng Phong - người chiến sỹ cộng sản quốc tế. Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu, cao đẹp của người chiến sỹ cộng sản về sự kết hợp tinh thần yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.

Từ sự phân tích những hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong với Đảng và cách mạng Việt Nam, các tham luận tại hội thảo đều đi đến thống nhất khẳng định đồng chí là tấm gương sáng ngời của người chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Tinh thần, bản lĩnh, phẩm chất người cộng sản của đồng chí Lê Hồng Phong là tài sản vô giá của Đảng và cách mạng Việt Nam, có giá trị trường tồn, sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.

Hội thảo cũng tập trung luận giải và làm rõ, truyền thống tốt đẹp của quê hương Nghệ An, của dân tộc là môi trường nuôi dưỡng và góp phần hun đúc nên biết bao người con ưu tú của vùng đất "địa linh nhân kiệt," trong đó có đồng chí Lê Hồng Phong - một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, của phong trào cộng sản quốc tế.

Đồng chí Lê Hồng Phong, với tài năng và nhân cách ngời sáng của mình đã để lại dấu ấn sâu đậm cho sự phát triển của phong trào cách mạng địa phương, là nguồn động lực để Đảng bộ và nhân dân Nghệ An phấn đấu giành được những thành quả to lớn trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước qua các thời kỳ cách mạng.

Đảng bộ và nhân dân Nghệ An mãi mãi tự hào, tri ân sâu sắc những đóng góp của đồng chí với quê hương, đất nước; ra sức học tập và noi theo tấm gương sáng ngời, mẫu mực của người chiến sỹ cộng sản Lê Hồng Phong, xây dựng và phát triển quê hương Nghệ An ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các đại biểu đã dành tình cảm, tâm huyết, thời gian nghiên cứu, tập hợp tư liệu, tài liệu về đồng chí Lê Hồng Phong để đóng góp cho Hội thảo.

Tài liệu của Hội thảo sẽ là những dữ liệu lịch sử hết sức quý báu của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Nghệ An phục vụ công tác học tập, nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.

Theo TTXVN